Chờ đợi VinaPhone và MobiFone cổ phần hóa!

Chờ đợi VinaPhone và MobiFone cổ phần hóa!

Theo dự kiến, đầu năm 2006, tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ chính thức ra mắt. Nhưng các nhà đầu tư trông đợi nhiều ở giai đoạn tiền tập đoàn này. Đơn giản là họ muốn mua cổ phần của các doanh nghiệp sẽ phải cổ phần hóa trước khi hình thành tập đoàn kinh tế như VinaPhone và MobiFone.  

  • Viễn thông: lên sàn là đắt giá 
Chờ đợi VinaPhone và MobiFone cổ phần hóa! ảnh 1

Kiểm tra, nâng cấp tổng đài của Mobifone.

Đến nay, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hoàn tất thủ tục chuyển 26 đơn vị hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, 9 doanh nghiệp trực thuộc thực hiện các bước thủ tục và 4 doanh nghiệp đã xác định giá trị doanh nghiệp và đang lập phương án cổ phần hóa.

Đã có 4 doanh nghiệp cổ phần của VNPT chính thức đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch là Công ty Cổ phần cáp và vật liệu SACOM, Công ty Cổ phần viễn thông (VTC), Công ty Cổ phần xây lắp Bưu điện Hà Nội và Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef).

Cổ phiếu ngành viễn thông đã tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng như giới doanh nghiệp. Đặc biệt là Postef, dù mới chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ đầu năm 2005 song họ đã khá thành công trong việc đưa cổ phiếu của mình ra thị trường. Còn nhớ, trong ngày đầu khai trương Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội vào đầu tháng 3-2005, với 152.000 cổ phần được bán ra, Postef đã thu được về gần 25 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm được đưa ra trên 15,8 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Văn Trắc, Giám đốc Công ty SACOM, doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của VNPT thực hiện cổ phần hóa từ năm 1998, trong thời điểm hiện nay, nếu doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa chậm ngày nào thì sẽ mất cơ hội ngày đó, nhất là việc đưa cổ phiếu lên sàn để thu hút các nhà đầu tư.

Không hiểu có phải vì “đắt giá” nên doanh nghiệp viễn thông đang “làm kiêu”. Bằng chứng là, kế hoạch của VNPT sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa gần 40 doanh nghiệp của mình trong năm 2005, nhưng đến nay mới thực hiện được trên một nửa. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá vừa chỉ đạo VNPT đẩy mạnh và nhanh hơn nữa các bước triển khai, xác định cổ phần hóa các doanh nghiệp.  

  • Giá của Vinaphone và Mobifone ít nhất là 2,6 tỷ USD  

Dù sức hấp dẫn của doanh nghiệp ngành Bưu điện đối với các nhà đầu tư bước đầu đã được khẳng định ở thành công ban đầu của Postef, hay SACOM, song theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chủ trương cổ phần hóa hai doanh nghiệp thuộc VNPT cung cấp dịch vụ viễn thông chiếm giữ thị phần lớn nhất hiện nay trên thị trường thông tin di động là VinaPhone và MobiFone mới thực sự là “tiêu điểm” được quan tâm nhiều nhất. Đây là hai doanh nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư ve vãn chờ được mua cổ phiếu trên sàn giao dịch.

VNPT cho hay là họ sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa và đưa cổ phiếu của MobiFone lên sàn giao dịch vào giữa năm 2006 tới. VinaPhone thì chậm chân hơn, dự kiến kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa vào cuối năm 2006, đầu 2007. Ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc công ty Thông tin di động VMS - đơn vị chủ quản của mạng MobiFone thừa nhận khi trở thành doanh nghiệp cổ phần, chắc chắn VMS - MobiFone sẽ được tiếp thêm sức mạnh rất nhiều. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển mạng lưới, đưa ra các chiến lược phát triển chắc chắn sẽ được nhiều khả năng tự quyết hơn trước. Tuy nhiên, chính vì đây là một trong hai mạng di động lớn nhất Việt Nam nên việc tiến hành các khâu cổ phần hóa không hề dễ dàng chút nào.

Phó Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng nại thêm lý do khác: VNPT chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề định giá tài sản mạng lưới của VMS - MobiFone. Giá trị tài sản hữu hình được tính ra từ con số hơn 2,5 triệu thuê bao hiện có trên mạng của MobiFone đã khó vì cần phải có những nghiên cứu, thẩm định chính xác nhất, nên lại càng khó khăn hơn khi tính đến những giá trị tài sản vô hình. Bởi tài sản đó không chỉ bó hẹp về hạ tầng cơ sở, mạng lưới mà còn là thương hiệu, là uy tín...

Không như các doanh nghiệp cổ phần trước đây thuộc các khối công nghiệp, thương mại, xây lắp, tư vấn, dù sao “tiếng tăm” của họ chủ yếu bó hẹp trong ngành Bưu điện là chính, với VMS - MobiFone và VinaPhone là hai thương hiệu đã được khẳng định. Chỉ tính riêng giá trị từ các thuê bao, theo ước tính của một số chuyên gia, mỗi thuê bao trị giá 50 USD thì tài sản của Mobifone đã lên tới trên 1 tỷ USD; tương tự, của Vinaphone lên tới 1,6 tỷ USD. Đó là chưa kể tới hàng trăm triệu USD tài sản đã đầu tư vào phát triển mạng lưới của mỗi doanh nghiệp.

Dẫu vậy, nhiều tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới như Comvik... dường như không quan tâm lắm đến giá trị tưởng là lớn nói trên. Điều họ quan tâm là làm sao mua được cổ phần của những doanh nghiệp rất có triển vọng này.

PHẠM LÊ 

 

Tin cùng chuyên mục