Chở nắng xuân lên biên giới

Chương trình Mùa xuân biên giới (MXBG) do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng và thực hiện 11 năm liên tiếp. Năm nay, chương trình MXBG lần 12 do Hội Nhà báo TPHCM, Câu lạc bộ Phóng viên Nội chính tổ chức với sự hỗ trợ của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Đài Truyền hình TPHCM, Báo Công an TP, Viện Tim TPHCM và Bệnh viện Tâm Đức phối hợp tổ chức.
Chở nắng xuân lên biên giới

Chương trình Mùa xuân biên giới (MXBG) do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng và thực hiện 11 năm liên tiếp. Năm nay, chương trình MXBG lần 12 do Hội Nhà báo TPHCM, Câu lạc bộ Phóng viên Nội chính tổ chức với sự hỗ trợ của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Đài Truyền hình TPHCM, Báo Công an TP, Viện Tim TPHCM và Bệnh viện Tâm Đức phối hợp tổ chức.

Trong 6 ngày (từ 4-2 đến 10-2) đoàn MXBG 12 đã khám bệnh phát thuốc cho hơn 1.500 người, tặng hơn 1.300 phần quà tết các hộ, trẻ em nghèo người dân tộc Jarai, Bana, Xê Đăng, Jẻ Triêng và thăm, giao lưu, tặng quà 22 đơn vị biên phòng tại 4 huyện vùng biên giới dọc hai bên sườn Đông và Tây dãy Trường Sơn thuộc hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Gạo là gì?

“Trường Sơn, Đông nắng Tây mưa; ai chưa đến đó như chưa rõ mình”, những câu chuyện về một thời gian khổ trong gian nan đấu tranh giành độc lập dọc theo dãy Trường Sơn đã đọc từ bao năm trước; lần này chính chúng tôi được trải nghiệm trong chuyến đi của chương trình MXBG 12. Vượt qua những khúc cua khuỷu tay liên tiếp nhau, đoàn MXBG sang bên kia sườn núi Trường Sơn dưới bầu trời xám xịt với gió và mưa rừng. Nhìn chúng tôi co ro trong những chiếc áo ấm, chị Y Thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Konplong, cười chia sẻ: “Rét quá phải không, đang 13°C đấy. Đêm ở đây rét buốt lắm”.

BS Nguyễn Thanh Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Tim TP khám ca bệnh nặng, qua “phiên dịch”.

Ban ngày mà 130C thì đêm hẳn là buốt và hơn ngàn chiếc chăn ấm chúng tôi mang từ Sài Gòn lên đây thật xứng công. Ngoài sân UBND xã, hơn 300 bà con người dân tộc Xê Đăng, Bana, Jẻ Triêng đang co ro xuýt xoa vì lạnh trong tấm chăn mỏng chờ khám bệnh và nhận quà của chúng tôi mang đến. Ai nhận tấm chăn cũng cười rất vui. Có nhiều người quấn vội để cố tránh ngọn gió núi quất mạnh vào đôi vai gầy.

 

Chương trình MXBG 12 nhận được hơn 800 triệu đồng tổng số tiền quà và tân dược do Quỹ Từ thiện của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Quỹ Chung một tấm lòng của HTV, Viện Tim TP, BV Tâm Đức, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM - HOSE, Công ty CPTP Dinh dưỡng Nutifood, Công ty Vissan, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Tôn Hoa Sen, Làng nướng Nam Bộ, Công ty Suntory PepsiCo.

 

Nói về chuyện chăn ấm. Nhìn bà mẹ trẻ khoác trên người mảnh nhựa cũ, mặt tái xanh ôm đứa con vài tháng tuổi trong tay chờ khám bệnh, Minh Bảo (biên tập viên của HTV) mắt ngấn nước, nói với tôi: “Chúng ta có vất vả hơn thế này nữa cũng xứng đáng má nhỉ”. Sau 17 ngày mở thông tin về Quỹ Chăn ấm trên Facebook, chúng tôi đã nhận được gần 1.000 tấm chăn ấm từ các bạn đã quen và chưa quen. Mạng xã hội là ảo, nhưng sự ấm áp dành cho những bà con nghèo vùng biên giới của những bạn trên mạng góp vào MXBG 12, là thật. Một bao gạo bị vỡ bịch nylon. Cậu bé A Dun, 10 tuổi nhìn chăm chú vốc gạo trên tay tôi hỏi: “Ngô dưới xuôi bé hơn ngô trên làng mình đấy”, “Không phải ngô đâu, gạo đấy cháu”, “Gạo là gì?”. Người cùng làng với A Dun kể, mẹ cháu đã chết vì mất máu khi đẻ Dun bên bờ suối lạnh. Dun may mắn được cán bộ biết chuyện và có mặt can thiệp kịp thời trước khi làng quyết định chôn em theo mẹ. Có lẽ, cậu bé mồ côi chưa ăn bữa “gạo nấu” nào trong đời?! Huyện Konplong là một trong những huyện nghèo nhất nước, bởi cả huyện có 11 xã thì 9 xã thuộc diện nghèo 30A. Chuyến xe của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum hỗ trợ chúng tôi về huyện Konplong ì ạch vượt hàng trăm cây số đèo dốc nghiêng chao với hơn 6 tấn hàng được chất đặc kín thùng xe. Chúng tôi mang đến Konplong với gần 3 tấn gạo, 250 thùng mì gói, 50 thùng sữa của Nutifood tài trợ, 1.000 lít dầu ăn và nước mắm đóng chai, gần 2.000 gói bột canh iod, 500kg đường, 400 chai nước ngọt của Pepsi… và 500 chăn ấm. Ngỡ thế đã đủ nhưng thực tế, chẳng thấm vào đâu so với thiếu thốn của bà con nơi đây. Gió từ phía sườn núi thổi tạt vào chúng tôi. Những nhà báo TP - những chàng “cửu vạn” nhân hậu như Đàm Thanh Giang, Nguyễn Hùng (Báo Mực Tím), Minh Bảo, Võ Nhân (HTV), Đoàn Hiệp (Báo SGGP), Trung Sơn, Tuấn (Báo Công an TP), không cảm thấy rét nữa, bởi trong lòng mỗi người đang có một trời nắng ấm phương Nam để gửi trao cho bà con biên giới. Tất Đạt (Báo Người Đô Thị), “Đội trưởng đội cửu vạn” nhiều năm liền của Đoàn MXBG đứng trên nóc xe hàng, trong mưa rừng, nói to: “Nhanh tay nào anh em ơi, bà con phải về sớm kẻo nhiễm mưa, lạnh lắm”. Không chỉ các nhà báo mà Minh, Bách, Quỳnh Nga (HOSE), Ninh (Tôn Hoa Sen) - những nhà tài trợ trẻ lần đầu tham gia chuyến công tác xã hội vất vả này đã cùng kê vai chuyển hàng chục tấn hàng trị giá hơn 500 triệu đồng, suốt 6 ngày liền đến với bà con vùng biên giới.

Thắm tình biên giới

Số thuốc được đoàn bác sĩ Viện Tim TPHCM chuẩn bị trị giá hơn 280 triệu đồng vơi đi rất nhanh. Siu Din, người đàn ông Jarai ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai) bước những bước chuệch choạc đến bàn khám của BS Đáng (BV Tim Tâm Đức). Huyết áp của ông lên hơn 200, nguy cơ đột quỵ rất cao. Sau khi được BS Đáng cho ngậm viên thuốc dưới lưỡi và được Trung úy Thủy, y sĩ Phòng khám quân dân y Đồn biên phòng Lệ Thanh dìu ngồi nghỉ một lúc, Siu Din có vẻ tỉnh hơn, ông nói điều gì đó bằng tiếng Jarai với chúng tôi. Ngôn ngữ khác biệt nhưng ánh mắt biết ơn của ông là điều chúng tôi cảm nhận được. BS Đáng kê toa thuốc uống trong 3 tháng liền cho Siu Din. BS Nguyễn Thanh Huy (Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Tim TPHCM), Trưởng đoàn bác sĩ, than: “Năm nay, qua thăm khám, có đến gần 20 người huyết áp 200, hơn 200; nguy cơ đột quỵ rất cao. Thường, đi khám từ thiện chỉ phát thuốc 1 tháng, nhưng bà con đây ở cheo leo quá, lại quá nghèo nên đoàn bác sĩ kê toa tặng 3 tháng thuốc, hy vọng bà con sẽ khỏe hơn sau khi uống hết thuốc đã cho”. Mỗi toa thuốc đặc trị tim mạch trị giá khoảng 7 triệu đồng. Gói thuốc của Siu Din trị giá gần 7 triệu đồng được các BS giao cho Trung úy Thủy, y sĩ Trạm quân dân y kết hợp quản lý và hướng dẫn dùng, bởi Siu Din không biết chữ, mà loại thuốc đặc trị uống không đúng y lệnh sẽ “lợi bất cập hại”. Đoàn bác sĩ còn gửi tặng 10 thùng thuốc cho Trạm quân dân y Đồn biên phòng Lệ Thanh, Trạm y tế thôn Kon Sủ, các đồn biên phòng để các anh thực hiện khám chữa khẩn cấp cho dân bản, 3 trung tâm bảo trợ xã hội hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai và y tế xã Dun (huyện Chư Sê, Gia Lai) để khám cho gần 200 bệnh nhân bị phong nặng làng Ia Long.

Bà con xã Daklong, huyện Konplong nhận quà từ Quỹ Từ thiện Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: N.PHƯƠNG

Thiếu úy Nay Cô, người Jarai, ở Đồn biên phòng Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã có mặt từ rất sớm để cùng chúng tôi bốc nhiều tấn hàng vào hiên nhà văn hóa xã. Một lúc sau, Nay Cô nhỏ nhẹ hỏi tôi: “Đồn Lệ Thanh mình có nuôi 13 cháu học sinh nhà nghèo lắm, lại ở rất xa, có nhiều cháu không khỏe, bác sĩ TP có khám bệnh cho cháu được không?”. Hơn chục học sinh được Đồn biên phòng Lệ Thanh nuôi đã ríu rít theo “bố” Nay Cô đến bàn BS Trang Lê (BV Tim Tâm Đức) và BS Chí Linh (Viện Tim TP) khám bệnh. Bé A Ríu, và Rơ Chăm Linh được nuôi hơn 2 năm trong nhà mở của đồn, ôm chân Nay Cô: “Bố ơi, con gửi bố mang quà với thuốc về nhà ta này”. Màu áo xanh núi rừng của Thiếu úy biên phòng Nay Cô lẫn giữa những chiếc áo trắng học sinh và tiếng nói cười ríu rít của “bố con Nay Cô” làm chúng tôi cảm động và yêu quý hơn màu áo xanh của lính biên phòng.

Yêu sao những chiến sĩ biên phòng đã hy sinh niềm vui riêng để làm nhiệm vụ chiến đấu giữ yên cương thổ nước nhà mà những chiến sĩ áo xanh màu núi rừng cũng đang giữ yên lòng dân vùng biên giới bằng tình cảm ấm áp của bộ đội Cụ Hồ. Một mùa xuân mới ấm áp và ngọt ngào đang đến với mọi người…

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục