“Chợ Ngã Bảy” nay thành thị xã

Ngày 1-9-2005, thị trấn Phụng Hiệp (người dân quen gọi là chợ Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đã được Trung ương công nhận là thị xã với tên gọi Tân Hiệp. Thị xã Tân Hiệp được mở rộng gồm: Thị trấn Phụng Hiệp cũ, các xã Đại Thành, Tân Thành, một phần xã Tân Phước Hưng và xã Phụng Hiệp. Một thị xã non trẻ với diện tích tự nhiên gần 8 km2, trên 61.000 người nhưng có nhiều tiềm năng phát triển đô thị, công nghiệp.
“Chợ Ngã Bảy” nay thành thị xã

Ngày 1-9-2005, thị trấn Phụng Hiệp (người dân quen gọi là chợ Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đã được Trung ương công nhận là thị xã với tên gọi Tân Hiệp. Thị xã Tân Hiệp được mở rộng gồm: Thị trấn Phụng Hiệp cũ, các xã Đại Thành, Tân Thành, một phần xã Tân Phước Hưng và xã Phụng Hiệp. Một thị xã non trẻ với diện tích tự nhiên gần 8 km2, trên 61.000 người nhưng có nhiều tiềm năng phát triển đô thị, công nghiệp.

“Chợ Ngã Bảy” nay thành thị xã ảnh 1

Thị xã Tân Hiệp (Hậu Giang) nhìn từ bên này sông Hậu.

Thị xã Tân Hiệp cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 30km. Địa thế của thị xã Tân Hiệp hơn hẳn tỉnh lỵ Vị Thanh ( Hậu Giang) vì nằm trên đường Quốc lộ (QL) IA lại có sông cái Côn là cầu nối giao thông thủy giữa thành phố Cần Thơ đi các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau…

Chỉ mới mấy năm chỉnh trang đô thị, “bộ mặt” trung tâm thị xã sáng hẳn lên. Rõ nhất là những tuyến đường nội ô được tu sửa rộng rãi và thoáng đẹp. Nhiều khu đô thị mới rộng hàng chục ha với những con đường nhựa láng; những dãy nhà lầu xinh xắn; những hàng cây xanh mát. Phụng Hiệp vốn nổi tiếng với khu chợ nổi trên sông, giờ đã được quy hoạch trật tự và khá sầm uất. Đặc sản của chợ Phụng Hiệp là rắn, rùa, chim, lươn, cá…

Phụng Hiệp cũng là điểm du lịch nổi tiếng của đồng bằng. Vượt qua cầu Phụng Hiệp, rẽ phải một đoạn không xa là khu công nghiệp rộng 25ha. Ở đây, ngoài nhà máy đường công suất 1250 tấn mía cây/ngày đang hoạt động là nhà máy sản xuất bột giấy mới khởi công xây dựng do một doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư. Cũng đã có khá đông các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đây tìm cơ hội đầu tư.

Đô thị Phụng Hiệp được hình thành năm 1915. Ở đây có 7 dòng sông tụ lại nên gọi là ngã Bảy. Từ lâu, đất này đã trở thành trung tâm mọi mặt của cả một vùng rộng lớn, đặc biệt là thương mại và dịch vụ. Trên 60% người dân sống bằng nghề buôn bán và làm dịch vụ, rất khá giả. Nghề tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển mạnh; với hàng trăm cơ sở đóng ghe xuồng. Nhiều cơ sở đóng được ghe đi biển, trọng tải hàng trăm tấn.

Ông Nguyễn Văn Nay, Phó chủ tịch UBND thị xã Tân Hiệp cho biết: Thị xã Tân Hiệp là trung tâm của vùng Đông - Bắc tỉnh Hậu Giang. 5 năm qua, mức tăng trưởng GDP khu vực này đạt từ 12% đến 15%/ năm. Tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm từ 12% đến 15%; thương mại dịch vụ từ 50% đến 65% trong cơ cấu GDP.

Tân Hiệp nhiều tiềm năng nhưng không ít khó khăn. Đó là cơ cấu kinh tế chưa hợp lý. Nông nghiệp 30%, công nghiệp 17%, còn lại 67% là thương mại dịch vụ. Sự phát triển này xuất phát từ tình hình thực tế và mang tính tự phát. Nhiều năm qua, nơi đây chưa phát huy hết thế mạnh du lịch.

Việc dời chợ nổi Ngã Bảy từ trung tâm ra phía Cái Côn 5km vì lý do an toàn giao thông đã làm mất đi phần lớn lượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Cơ sở hạ tầng còn đang ở dạng quy hoạch. Một số dự án có tiến độ triển khai chậm do giải phóng mặt bằng và tái định cư không theo kịp nhu cầu dự án. Quy hoạch nông nghiệp đã được triển khai nhưng chưa phát huy hiệu quả như: Vùng nuôi thủy sản, vùng lúa chất lượng cao…

Trong quy hoạch tổng thể đến năm 2020 của thị xã Tân Hiệp nêu rõ: Phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, tạo chuyển biến rõ nét bộ mặt đô thị, nâng cao đời sống nhân dân. Trước mắt khẩn trương xây dựng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại phường Hiệp Thành với quy mô trên 22 ha.

Song song đó, tiếp tục quy hoạch các cụm công nghiệp dọc sông Cái Côn và kinh Quản lộ Phụng Hiệp. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trung tâm thương mại Ngã Bảy. Quy hoạch hệ thống chợ vệ tinh tại các xã, phường. Đặc biệt, bảo tồn và phát triển chợ nổi Ngã Bảy để khai thác du lịch. Ông Huỳnh Thanh Tạo, Bí thư Thị ủy kêu gọi: “Ngoài việc phát huy nội lực, thị xã Tân Hiệp rất cần được đầu tư. Tân Hiệp đã có chính sách thoáng ưu tiên cho các nhà đầu tư đến đây làm ăn và xây dựng vùng đất này thịnh vượng”.

Thanh Bình