Một mùa tuyển sinh mới lại bắt đầu và năm nay luồng gió đổi mới thi cử có tạo nên mùa xuân hy vọng cho ngành sư phạm? Bên cạnh những ước mơ trở thành cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thử hỏi có bao nhiêu học sinh giỏi ở các môn học dám tự tin chọn ngành sư phạm, khát khao trở thành nhà giáo giỏi? Ai cũng hiểu muốn đẩy con thuyền đổi mới giáo dục đi xa hơn, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì vai trò chủ chốt - kiến tạo tri thức, tạo ra sản phẩm giáo dục đạt chuẩn - chính là đội ngũ thầy cô giáo. Thầy giỏi thì trò mới giỏi! Và muốn có sản phẩm giáo dục Việt Nam đạt chuẩn, có kỹ năng, biết làm việc - năng động thích ứng với biến động của thế kỷ 21 thì phải chuẩn bị đầu vào đạt chuẩn yêu cầu. Có nguyên liệu như thế thì chúng ta mới có thể đào tạo người thầy có năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, có khả năng dạy tích hợp, liên môn...
Mới đây, tại hội thảo đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam, nhiều ý kiến tâm huyết đã gióng lên hồi chuông cảnh báo thực trạng đào tạo giáo viên vừa thừa, vừa kém chất lượng, gây lãng phí rất lớn. Trong khi các trường phổ thông đều than thở thiếu giáo viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng sư phạm thì đầu ra - sản phẩm của các trường đào tạo ngành sư phạm lại thiếu, yếu về chuyên môn, các kỹ năng làm thầy thời @. Chung quy dẫn đến sản phẩm ngành sư phạm bị lỗi kỹ thuật này có nhiều nhưng vấn đề cốt lõi chính là chuẩn đầu vào tuyển sinh nhiều năm qua quá thấp. Chỉ đạt điểm sàn, thậm chí dưới sàn với 10 - 13 điểm, nhiều thí sinh cũng đậu vào ngành sư phạm của các trường CĐ, ĐH. Vì trở thành nhà giáo một cách miễn cưỡng, không đủ năng lực, trình độ để học ngành khác, họ vô cảm với nghề mình chọn, đứng lớp như một thợ dạy thiếu chuyên nghiệp.
Nhìn vào bức tranh chung có nhiều gam tối này để hiểu thực trạng một bộ phận giáo viên hiện nay không yêu nghề và không thể thích ứng với yêu cầu, mục tiêu đổi mới giáo dục theo hướng tiên tiến, hiện đại. Như thế, để khởi động lại cỗ máy đào tạo sư phạm chạy theo đường ray chuẩn, đào tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục thì trước tiên đầu vào tuyển sinh phải đạt chuẩn một cách nghiêm ngặt. Lý thuyết là thế nhưng áp dụng sẽ gặp rất nhiều rào cản khi nhà nước chưa có cơ chế, chính sách ưu tiên, đãi ngộ nhà giáo. Chúng ta không thể hô hào suông, không thể gắn những ngôn từ hay nhất, đẹp nhất cho nhà giáo mà không kèm theo chế độ lương bổng thỏa đáng với công sức, tâm huyết mà họ bỏ ra. Như tâm sự của Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP rằng, ông cảm thấy day dứt, cảm thấy bất lực khi nhìn thấy những học trò cưng - học giỏi, đủ phẩm chất, năng lực làm thầy nhưng đành bỏ nghề để đi làm bên ngoài có thu nhập hàng ngàn USD/tháng. Xin đừng để số sinh viên giỏi - những hạt giống quý vừa tốt nghiệp các trường sư phạm, nhất là sinh viên khoa Anh ngữ dù tâm huyết với nghề nhưng phải ngậm ngùi tước bỏ chiếc áo làm thầy - chuyển sang nghề khác có thu nhập hấp dẫn hơn.
Chính vì thế, để mùa tuyển sinh sắp đến tạo ra điều kỳ diệu - thu hút nhiều học sinh giỏi vào ngành sư phạm thì chúng ta phải thay đổi cơ chế, chính sách đối với nghề giáo, nhà giáo. Nếu coi giáo dục là quốc sách thì cần đầu tư và điều chỉnh chính sách lương bổng của nhà giáo ngang bằng những ngành nghề quan trọng khác trong xã hội. Có như thế, học sinh giỏi mới tự tin chọn ngành sư phạm và họ sẽ là những cánh én chở mùa xuân hy vọng, góp phần tạo sự đột phá thực sự đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
BÌNH KHÁNH