Chợ tết 3 miền ở TPHCM

Từ Bắc vô Nam
Chợ tết 3 miền ở TPHCM

Là nơi hội tụ những người con khắp mọi miền đất nước làm ăn sinh sống nên những ngày cuối năm, chợ tết ở TPHCM luôn có bán hầu hết đặc sản vùng miền.

Đặc sản trái cây miền Bắc bán tại một cửa hàng trên đường Trần Quốc Toản. Ảnh: Thanh Tâm

Đặc sản trái cây miền Bắc bán tại một cửa hàng trên đường Trần Quốc Toản. Ảnh: Thanh Tâm

Từ Bắc vô Nam

Là một trong những địa chỉ quen thuộc của những người con đất Bắc sống ở TPHCM, không ai không biết đến cửa hàng rau củ quả, thực phẩm Hà Nội Kim Thanh (ở góc ngã tư Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu, quận 1). Bởi lẽ, từ lạc rang húng lìu, rau tiến vua, ruốc thăn, nem phụng, chả rươi, giò lụa, giò bò, nem chua Ước Lễ… ở đây đều có. Ngoài ra, còn có thể tìm mua đặc sản miền Bắc ở nhiều nơi tại TPHCM như chợ Bắc trên đường Chu Mạnh Trinh, siêu thị Hà Nội Cống Quỳnh (quận 1), các cửa hàng chuyên bán thực phẩm Hà Nội trên đường Trần Quốc Toản, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Hai, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).

Tại những nơi này, khách hàng có thể mua các loại rượu Bắc, các loại mắm rươi, mắm tép, mắm cáy, mắm tôm đặc Đồ Sơn cho đến măng lưỡi lợn, măng vầu, nứa, miến dong Bắc Kạn và các loại giò chả, hành hoa, su hào, bắp cải, rau thơm, cà pháo, quả dọc… và các loại hoa quả đặc trưng theo từng mùa như nhãn lồng (Hưng Yên), vải (Bắc Giang), đào, mận, sấu, nhót… Cả bánh cốm Hàng Than, ô mai Hàng Đường, bánh đậu xanh Rồng Vàng, chè Tân Cương, mứt sen Hưng Yên, thậm chí cả kem Tràng Tiền cũng không thiếu.

Chị Mỹ Ngọc, chủ tiệm bán bún thang, miến gà Hà Nội, tại hẻm 491/51 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 cho biết, nhu cầu sử dụng món Bắc tại TPHCM đang ngày một tăng cao, khách hàng giờ đây còn có cả người Nam, người Hoa…

Đậm đà hương vị miền Trung

Những người miền Trung sinh sống tại đất Sài Gòn, có lẽ không ai không biết chợ Bà Hoa trên đường Trần Mai Ninh, phường 11, quận Tân Bình - ngôi chợ với những món dân dã này từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ hồn quê không lẫn vào đâu được của cộng đồng người miền Trung.

Người miền Trung vốn ưa “mặn mòi, cay điếng” nên mặt hàng bày bán nhiều nhất tại chợ Bà Hoa chính là mắm, với các món mắm đặc sản như: mắm cái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm cá chuồn, mắm cá mòi, mắm cá nục, dưa mắm, mắm cà… Các loại gia vị chỉ nghe tên đã cảm nhận được vị cay nồng như: ớt xanh, ớt bột không pha, ớt khô nguyên trái, hành tỏi Lý Sơn, tiêu Quảng Nam, gừng Sẻ, hành củ Hà Lam, nén củ, nén lá…

Đến chợ Bà Hoa nên thưởng thức món mì Quảng với nước dùng đặc trưng cùng củ nén và dầu phộng. Nơi đây cũng cung cấp sợi mì Quảng cho hầu hết các hàng quán mì Quảng có tiếng trong TPHCM với đủ các màu: màu vàng do lấy nghệ pha với bột gạo, có màu sậm đen vì pha với gạo lức và sợi mì trắng từ màu gạo nguyên khôi.

Hương sắc miền Tây

Ngoài bánh tét, còn nhiều món đặc sản tết vùng miền rất đặc trưng, phong phú khó có thể kể hết như bánh bía - lạp xưởng Sóc Trăng, lạp xưởng tươi Gò Công, khô sặc bổi, khô cá lóc - tôm khô biển Cà Mau, bánh phồng tôm An Giang, cho đến dừa sáp Trà Vinh, bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi)… được bày bán khắp các chợ và siêu thị lớn ở TPHCM.

Sự phong phú của trái cây miền Tây trong dịp tết cũng không thể bỏ qua chợ nổi Kênh Tẻ, chợ đầu mối trái cây vận chuyển bằng đường sông lớn nhất TPHCM, với đủ các loại trái cây như đu đủ, chuối, dừa, mận, nhãn, xoài, măng cụt, bưởi, ổi… Tiểu thương của chợ phần lớn là dân miệt vườn thứ thiệt đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu,… nhiều người đã gắn bó với dòng Kênh Tẻ hàng chục năm cùng quây quần mua bán, tạo nên một khu vực văn hóa đậm chất miền Tây.

Mai Thi - Tư Kỳ

Tin cùng chuyên mục