Cho ý kiến về dự thảo Luật Tố tụng hành chính: Đảm bảo sự công bằng khi “dân kiện quan”

Cho ý kiến về dự thảo Luật Tố tụng hành chính: Đảm bảo sự công bằng khi “dân kiện quan”

* Chất lượng thanh tra thấp: Vụ Vinashin thanh tra 11 lần vẫn không bắt được “bệnh”

Tạo thuận lợi và đảm bảo sự công bằng nhất có thể khi người dân, doanh nghiệp, vốn là bên “yếu thế” hơn, khởi kiện các vụ án hành chính - là nguyên tắc quan trọng nhất được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh khi cho ý kiến về dự thảo Luật Tố tụng hành chính trong phiên họp sáng 23-10.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba

  • Quyền kiến nghị khi phát hiện bản án có sai lầm

Liên quan đến điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) cho biết, ông ủng hộ phương án khi cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định hành chính có quyền khởi kiện mà không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại lần đầu. Có như vậy mới bảo đảm quyền tự do lựa chọn của công dân, tổ chức, tạo điều kiện về đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại tố cáo. Đồng thời, việc này sẽ giảm tải cho cơ quan nhà nước để tập trung vào công tác quản lý.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) phát biểu tại hội trường.


Ông Trừng bổ sung, đề nghị QH giao cho TAND tối cao và Chính phủ có phương án củng cố bộ máy nhân lực cũng như trang thiết bị, phương tiện cho tòa hành chính. ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) nhìn nhận: “Cách làm này không chỉ giảm áp lực giải quyết đơn thư cho các cơ quan hành chính, mà còn là một bước quan trọng trong đổi mới công tác tố tụng”.

Quy định cho phép Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được xem xét lại quyết định của mình khi có kiến nghị của Chánh án TAND tối cao hoặc của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao với những thủ tục rất chặt chẽ, cũng là một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Tố tụng hành chính: Đảm bảo sự công bằng khi “dân kiện quan” ảnh 3

ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội)

ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) tán thành quan điểm này và đề nghị thêm, không chỉ Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng có quyền kiến nghị ngay khi phát hiện bản án có sai lầm nghiêm trọng.

ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn về việc xem xét lại bản án có sai lầm lại do chính những người trước đây đã xét xử. Ông Nhã phát biểu: “Nên chăng có một chương riêng về thủ tục tiến hành phiên tòa đặc biệt, không nên để cho những người xét xử sai rồi ngồi xét xử lại vụ án đó”.
  • Thanh tra: Hệ thống hãm trong một bộ máy

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy hiệu lực, hiệu quả của thanh tra, cơ quan thanh tra phải được tổ chức theo hướng bảo đảm tính độc lập với cơ quan quản lý nhà nước.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cho biết, đối chiếu những quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Thanh tra Chính phủ phải có địa vị pháp lý như các bộ, cơ quan ngang bộ khác, tức là có địa vị pháp lý độc lập, có phạm vi quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực riêng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này cần nhằm mục đích nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và của các cơ quan thanh tra nói chung về các hoạt động, quyết định của mình.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp hiện hành; đồng thời, để tránh xáo trộn tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm sự ổn định về tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra, trong giai đoạn trước mắt, cần phải đổi mới từng bước tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối.

Nhiều đại biểu đồng tình với giải trình này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, thanh tra giống như hệ thống hãm trong một bộ máy, nên ông mong muốn cơ quan thanh tra có vị trí pháp lý độc lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa thể sửa đổi Hiến pháp thì nên theo hướng nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra lên mức độc lập tương đối. ĐB Lê Minh Hồng (Hà Nam) đề nghị phải quy định thật cụ thể và chặt chẽ về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan thanh tra để nâng cao chất lượng thanh tra.

“Chất lượng thanh tra hiện nay rất thấp, điển hình là ở Tập đoàn Vinashin thanh tra tới 11 lần mà vẫn không bắt được “bệnh”, đến khi tập đoàn này đứng bên bờ phá sản mới biết. Sau khi sửa luật, nếu chất lượng thanh tra vẫn thấp như vậy nhân dân sẽ không chấp nhận”- ĐB Lê Minh Hồng nói. 

ANH THƯ - BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục