1. Thấy tôi định cư ở châu Âu gần chục năm mà chưa tìm việc gì làm để kiếm tiền cho ra tấm ra món, một người bạn đang định cư bên Ý tiếc rẻ: “Thôi, giống tớ, không biết buôn bán. Sống ở thế giới đồ hiệu mà không biết bán hàng online”.
Một du học sinh khoe: “Em săn được “quả” đồng hồ xịn, giá chuẩn, phải hơn 2.000EUR. Chờ đúng mùa sale (giảm giá) “vớt” ngay, ra sân bay lại xin được cái giấy miễn thuế, về Việt Nam bán lời chẵn 1.000EUR. Chị thấy có ngon ăn không? Dại gì mà buôn bếp từ với sữa bột cho nặng. Đóng hàng gửi về cũng mất 5-6 EUR/kg rồi. Chị cứ săn đồng hồ, áo da, túi xách, giày dép xịn hoặc vitamin cho em, nhẹ cân mà nặng tiền. Những thứ này ở nhà đang háo”.
Nhìn các đồng hương quen biết ở Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Đức, Pháp... đều ríu rít bán hàng online, thu nhập có khi cả nghìn EUR/tháng, còn mình loanh quanh việc nhà, kỳ cạch viết lách chẳng ra được mấy đồng tiền, thật có “tội” với chồng con. Nhưng săn hàng thế nào? Phải làm đủ các loại thẻ khách hàng để được ưu đãi giảm giá, phải liên tục quần đảo các khu phố shopping thời thượng, phải có chút vốn để chi ra mua hàng trước rồi thu vào sau khi bán.
Ở Việt Nam phải tìm được người tháo vát, tin cẩn đứng ra tìm khách cho mình... Ôi khoản này tôi kém lắm, đến cái túi hàng hiệu còn không phân biệt đường chỉ nào tạo nên giá trị nghìn đô so với túi nhái. Đâu phải ai cũng lao vào buôn bán online được!
2 .“Thì đi tour cho khách Việt”, người bạn bên Ý gợi ý: “Dân Việt mình thực ra du lịch còn kết hợp sang châu Âu buôn hàng hiệu ầm ầm. Tớ đi tour còn tư vấn, giới thiệu đồ hiệu của Ý cho khách Việt nên được trả công cao hơn chút”.
Bạn kể được mời dẫn tour vài ngày cho các đoàn khách Việt theo hành trình Ý - Pháp, tiền công tùy thỏa thuận, từ 150 - 250EUR/ngày. Liên tuyến này mà mua đồ hiệu cứ gọi là nhất.
Tôi ngẩn ngơ: “Muốn làm hướng dẫn viên phải thi lấy bằng chứ không cậu hướng dẫn chui à?”. Bạn bật cười về sự ngây thơ của tôi: “Đòi hỏi bằng cấp sao mình thi được. Nghề hướng dẫn có nhiều kiểu phục vụ. Tớ vẫn đi tour cả trăm người có sao đâu. Chui gì mà chui, mình có dùng micro đứng giữa đường thuyết minh oang oang đâu”.
Nghĩ, mình có đủ trình độ để thuyết minh dông dài từ thời Napoleon phải lòng góa phụ Josephine cho đến chuyện tình tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kém vợ Brigitte Trogneux 24 tuổi, chưa chắc du khách Việt nào cũng muốn nghe. Nhưng cứ theo đà này, có lẽ các công ty du lịch trong nước cũng bị mất một lượng khách không nhỏ bởi trào lưu du lịch tự túc của người Việt hiện nay.
Một đồng nghiệp cũ của tôi từng tâm sự, chị coi như mình chưa đến được Barcelona dù đã tham gia hành trình Tây Ban Nha gần chục ngày. Cũng là mua tour của công ty du lịch chuyên nghiệp, nhưng là gom khách lẻ, mỗi khách một sở thích: “Đoàn dừng trước Nhà thờ La Sagrada Familia. Hướng dẫn viên địa phương say mê thuyết minh về kiến trúc độc đáo của công trình tôn giáo có một không hai trên thế giới, vừa định mời vào bên trong tham quan thì có đến 2/3 số người trong đoàn nhao nhao đòi quay lại xe, rút ngắn điểm tham quan để tranh thủ thời gian mua sắm”. Mỗi lần nhớ lại chuyện này, chị còn cảm thấy ngượng với hướng dẫn viên địa phương.
Có lẽ cũng vì thế mà bây giờ khách Việt thường thích tự hình thành nhóm cùng sở thích, tự săn vé rẻ, tự xin visa vào châu Âu (không cần qua dịch vụ du lịch chuyên nghiệp) để được du lịch như ý muốn.
3. Du học sinh, Việt kiều có thêm nghề phục vụ đồng hương, lo hậu cần tại điểm đến. Cần gì cung cấp nấy, đón tiễn ở sân bay, phục vụ nấu ăn, xe riêng chở đến điểm tham quan, hướng dẫn tham quan và mua sắm, bố trí nơi ăn chốn ở... Giá dĩ nhiên rẻ hơn và không phải sinh hoạt tập thể gò bó như đi theo tour.
Khoảng một tuần trước khi đến Milan (Ý), Pietro - chủ nhân căn hộ cho thuê mang tên Nice Livings Gioia gửi thư điện tử cho tôi kèm bản đồ, dặn kỹ: “Từ ga tàu trung tâm chỉ đi bộ 5 - 10 phút là đến căn hộ. Nhưng cô cũng có thể bắt tàu điện ngầm và dừng ở bến Sondrio. Đi xe buýt thì lấy số 81 nhé”. Vào đến căn hộ, cũng chẳng thấy mặt Pietro đâu, chỉ một cô gái gốc Trung Đông xinh đẹp mở cửa, giao chìa khóa, nhận tiền của tôi và đưa ra một cuốn sổ dày: “Hình ảnh, thông tin và mọi chỉ dẫn các điểm tham quan ở Milan chúng tôi đều in sẵn trong cuốn này. Cần gì cô cứ tra nhé, cả cách lấy xe buýt và tàu điện ngầm đến từng điểm. Siêu thị cách đây khoảng hơn một cây số, xuống nhà cứ rẽ trái là đến”.
Từ khu phố kênh đào Navigli nhộn nhịp hàng quán và chợ đêm, lâu đài Castello Sforzesco, phố thời trang Emanuele II, tu viện Santa Maria delle Grazie có kiệt tác “Last Supper” của danh họa Leonardo Da Vinci tái hiện Bữa ăn cuối của Chúa với các môn đệ... cho đến Montenapoleone ví như “salon thử áo quần thời trang lớn nhất châu Âu” đều được chủ nhân căn hộ này đánh máy, in ảnh minh họa, kèm cả trang web thông tin chi tiết. Dặn dò xong, cô gái này cũng đi luôn.
Tôi vào bếp, mở tủ, thấy một lọ dầu oliu, hai gói mì khô, mấy hộp sốt cà chua, bánh ngọt, cà phê bột một lọ, đường một hũ, trà chanh vài gói. Ngoài bếp điện còn có lò vi sóng, bốn cái nồi, hai chảo và bát đĩa, ly cốc, thìa muỗng. Nghĩa là có mải đi chơi, về nhà không kịp ăn gì cũng không đến nỗi chết đói.
Hai ngày sau, rời Nice Livings Gioia, tôi vẫn không gặp Pietro. Cô gái Trung Đông đã dặn rồi: “Chìa khóa chị cứ bỏ vào thùng gỗ treo ở hành lang trước khi sập cửa”. Công việc trả phòng chỉ có vậy. Chẳng cần nhân viên phải lên kiểm tra phòng, săm soi điều khiển tivi và điều hòa còn đủ không trước khi khách rời đi như ở khách sạn.
Nghe tôi kể chuyện ở trọ tại Milan như vậy, Hồng T. - một người gốc Việt làm thêm nghề host family (cho thuê phòng trọ) ở Đức lắc đầu: “Có thế mà chị đã khen. Bây giờ lòng tin lên cao lắm. Như khách trọ vào nhà em, sáng họ chưa dậy em đã phải đi làm rồi. Trước khi đi còn viết giấy dán lên bàn ăn: nấm ruốc, su su luộc chấm muối lạc, thịt kho tàu trong tủ lạnh. Cơm đã chín, vẫn để ở chế độ ấm”.
Nhà cũng chỉ hai phòng ngủ, nhưng để có thêm đồng ra đồng vào, vợ chồng Hồng T. dành một phòng ngủ cho khách thuê trọ ngắn ngày. Chủ yếu là khách du lịch Việt, vì cái tiện lợi chủ có thể nói tiếng Việt, mách bảo mọi đường đi nước bước tham quan, mua sắm, ăn chơi ở Đức. Đi vào ngày nào thì tiền tàu xe rẻ một nửa, đến chỗ nào ăn thì ngon, mua ở đâu giá tốt. Coi như làm host và kiêm hướng dẫn viên. Chỉ có một chiếc nệm, một giường em bé nên Hồng T. lấy 15 EUR/người/đêm (trẻ từ 6 tuổi 10 EUR, dưới 5 tuổi miễn phí). Gia đình gồm vợ chồng và hai con, nếu chung nệm chật thì chủ nhà còn sofa ở phòng khách. Người Việt với nhau cả, nằm chật một chút nhưng vui. Còn “lên đời” nằm giường thịnh soạn như các host gốc Việt ở Amsterdam (Hà Lan) hoặc ở London (Anh) giá sẽ 20 EUR/người/đêm. Phòng 25m², ga tàu - bến xe buýt - xe đạp ngay trước cửa, thêm cái ban công lãng mạn rộng khoảng 7m2 ngồi uống cà phê buổi sáng trông ra Nhà thờ Đức Bà hoặc vườn Luxembourg ở Paris, một chủ host vừa báo giá 25 EUR/người/đêm.
Khách du lịch châu Á ở Munich (Đức)
4. Không chỉ Việt kiều định cư lâu năm, một số du học sinh Việt tại Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Úc... được bố mẹ đầu tư cho thuê nhà ở các thành phố lớn, hiện cũng tham gia dịch vụ cho thuê nhà du lịch. Các bạn trẻ bắt đầu tập cách dùng chung bếp và tủ lạnh, dành phòng và xếp lịch cho khách du lịch thuê ngắn hạn để kiếm thêm thu nhập, giảm bớt chi phí du học.
Gần một năm trước, tôi đi Venice (Ý), lớ nga lớ ngớ vì chẳng thân quen ai, phải thuê khách sạn đắt gấp 3 lần, mất rất nhiều thời gian cho việc hỏi đường, đọc bản đồ và lạc lối. Gần đây, đọc thông tin một bạn trẻ người Việt làm host nhà ở Venice (chỉ 20 EUR/người/ngày, được nấu ăn và giặt quần áo), ngẩn ngơ tiếc mãi. Hiện đang là Lễ hội bia Đức Oktoberfest tại Munich (từ ngày 16-9 đến 3-10). Tôi được một trang web gửi cho thông tin có người Việt còn phòng trống đúng dịp này (có bếp, nhà tắm, khu vệ sinh rộng rãi), được ở ghép 2-3 người, phòng cách bến tàu điện ngầm chỉ 3 phút đi bộ, thêm 5 phút ngồi tàu đến nhà ga trung tâm và vào lễ hội chỉ 10 phút, cũng đi bộ. Quá tiện. Khấp khởi định đi thì cánh đàn ông cản: “Đấy là lễ hội uống tràn cung mây, lều bia nào cũng có kẻ say xỉn. Đàn bà con gái vào chốn ấy làm gì”. Thực ra chính những lời mời gọi host nhà của người gốc Việt ở Munich còn hấp dẫn tôi hơn cả lễ hội bia.
Cứ đà này, rồi đến lúc khách Việt du lịch châu Âu được đon đả mời chào homestay, family host chẳng kém gì khách Trung Quốc được người Ý kính cẩn cúi đầu “ní hảo” khi vào mua sắm hàng hiệu. Cứ ra đến đường phố trung tâm bây giờ là thấy bánh mì Việt, còn lo gì phải vác mì tôm theo vì không hợp đồ ăn Tây. Lòng tin lên cao, chẳng lo khách quịt tiền, chỉ ngại nỗi, như một host ở Pháp nói nhỏ với tôi: “Chỗ cho thuê trọ chủ yếu là chung cư, nhà liền kề ở trung tâm thành phố. Sợ nhất người Việt mình hay ồn ào, ra vào đóng cửa ầm ầm và gọi nhau ầm ĩ khắp hành lang...”.