
Kết quả một cuộc điều tra của tổ chức eLearning Guild về việc đào tạo qua mạng - có sự tham gia của 1.500 thành viên là những doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ trên khắp nước Mỹ - cho thấy, có tới 38% các công ty bảo hiểm tiến hành các cuộc điều tra thông qua trò chơi. Trong ngành tài chính, kế toán, ngân hàng, con số này còn cao hơn nữa, hơn 50%...
Bà Deborah Wince-Smith, chủ tịch hội đồng cố vấn về năng lực cạnh tranh của Mỹ, nói: “Để có năng lực cạnh tranh ở mức độ quốc tế, cần có đầu óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú, phản ứng hành xử mang tính phân tích và tính chiến lược, có năng lực quyết đoán, xuất sắc trong việc lập kế hoạch và thực hiện, có khả năng thích nghi nhanh chóng với những thay đổi”. Đó cũng là những đức tính mà người chơi phải sử dụng trong khi chơi những trò chơi cao cấp. Dưới đây là vài trò chơi tại một số doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Tổng giám đốc tương lai

Trường đại học ảo 3DU của Johnson & Johnson
Từ vài năm nay, hãng McKinsey & Co sử dụng một trò chơi có tên gọi “người tổng giám đốc của tương lai”. Người chơi có nhiệm vụ quản lý một doanh nghiệp. Người nào làm tăng giá trị của doanh nghiệp lên nhiều nhất người đó giành phần thắng.
Năm ngoái, hàng ngàn “ứng viên” trên khắp thế giới đã tham gia vào việc “tạo dựng” một công ty bảo hiểm ở Hàn Quốc hay việc nghiên cứu phát triển một loại thuốc xuất phát từ một sản phẩm biến đổi gien. Nhiều người trong số những người giỏi nhất sau đó đã được McKinsey tuyển dụng. Tháng 6 vừa qua hãng cũng tổ chức một trò chơi tương tự trên Second Life, những người giỏi nhất giành phần thưởng 15.520 euro.
Giúp nhân viên mới làm quen với doanh nghiệp
Đã 3 năm nay, bộ phận nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược của hãng Johnson & Johnson lập nên một “trường đại học ảo trực tuyến” - gọi là 3DU - để giúp các nhân viên mới mau chóng thích nghi với môi trường làm việc của doanh nghiệp. Trong vai một “nhân vật ảo”, nhân viên mới có thể “đến trường” vào bất cứ lúc nào, gặp gỡ “bạn học” hay đặt câu hỏi về đủ mọi đề tài (bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế…) với các nhân viên nhà trường.
Tập hoạch định chiến lược
Hãng sản xuất đồ điện tử Royal Philips Electronics thì lại “cho” các nhân viên của mình “chơi” trò Simplicity Showdown (Thử thách đơn giản). Người chơi được “gửi” đến khắp nơi trên thế giới, ở những nơi có người sử dụng sản phẩm của Philips, và được hỏi về chiến lược phát triển của hãng. 4.000 nhân viên Philips phải trả lời 250 câu hỏi trong vòng 4 tuần lễ. Ê-kíp thắng cuộc sẽ có một cuộc họp thực sự bàn về chiến lược tại Bahamas vào cuối năm.
Học cách cải tiến, đổi mới
Mùa thu năm nay hãng IBM bắt đầu bán một trò chơi kinh doanh có tên Innov8 cho các doanh nghiệp nhằm giúp họ cải thiện năng lực kinh doanh của các nhân viên. Người chơi sẽ phải đương đầu với những nhiệm vụ hóc búa như vực dậy một doanh nghiệp, mở một công ty trung gian hay xử lý một đòi hỏi bảo hiểm của khách hàng…
Để trở thành một người bán hàng xuất sắc
Trò chơi mà chuỗi kinh doanh siêu thị Mỹ Sears dùng cho 10.000 nhân viên bán hàng của mình có sử dụng một phần trò chơi nổi tiếng “Ai muốn trở thành triệu phú”. Người chơi, là nhân viên bán hàng, phải sử dụng những hình ảnh hay những đoạn văn để “hấp dẫn” khách hàng. Trong phần khác, người chơi phải chỉ ra những đặc tính của sản phẩm, một cách “thực tập” để làm việc trong thực tế được tốt hơn.
NHỊ BÌNH
(theo Le Point, BusinessWeek)