Đến hẹn lại lên, trung tuần tháng 3, giới điện ảnh cả nước lại phập phồng chờ đón những tên tuổi được xướng lên trong lễ trao giải các cánh diều - giải thưởng dành cho phim Việt - tuy kết quả ít nhiều… cũng đã được đoán trước. Bởi lẽ, mới có vài tháng trước, tại TP Hạ Long, một cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ cũng đã diễn ra với thảm đỏ, các bông sen vàng, bạc đã trao đến các tập thể và cá nhân xuất sắc nhất. Và với 2 giải thưởng liên hoan phim và cánh diều xen kẽ, trung bình cứ một năm nền điện ảnh nước nhà lại có một kỳ bình chọn những giải thưởng cao quý. Dĩ nhiên, chuyện sẽ không có gì ầm ĩ nếu chúng ta có sự lựa chọn cả về số lượng lẫn chất lượng các phim sản xuất và tham gia tranh tài. Nước Mỹ cũng vừa có Quả cầu vàng và giải Oscar trong năm thì ta cũng có Cánh diều và Bông sen không hề kém cạnh, chỉ khác Mỹ là Mỹ, còn ta lại là ta.
Ta lại là ta vì ta cũng chỉ có ngần đấy phim từ năm trước gối đầu năm sau, với cả thảy trên chục bộ phim truyện điện ảnh. Tất nhiên còn có các thể loại khác như phim truyện truyền hình, phim tài liệu và khoa học, phim hoạt hình, phim ngắn, công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh, song phim truyện điện ảnh bao giờ cũng là lãnh vực được dư luận quan tâm nhất. Điểm lại mùa Cánh diều năm nay, người ta giật mình - mà thật ra năm nào cũng giật mình, thót tim - khi trong danh sách 13 phim truyện điện ảnh đua tài - số phim thuần túy giải trí, tiêu khiển được làm để bán vé chiếm số lượng áp đảo. Thậm chí các phim được coi là thảm họa như Hiệp sĩ guốc vuông, Săn đàn ông, Âm mưu giày gót nhọn… cũng lọt vào danh sách bầu chọn.
Cũng khổ cho ban tổ chức và ban giám khảo khi họ không có quyền chọn lựa khác hơn. Đơn giản là vì loại bỏ hết các phim ít có giá trị nghệ thuật và tư tưởng thì chả lẽ dẹp luôn các cánh diều và tăng thời gian tổ chức các giải thưởng không phải là hàng năm như bây giờ lên mức… 5, 10 năm/lần? Và câu hỏi muôn thuở: Làm sao có được những tác phẩm vừa hội tụ yếu tố nghệ thuật vừa đủ hay cuốn hút người xem dường như vẫn là bài toán nan giải, quá tầm với những người làm điện ảnh nước nhà.
Còn nhớ trong kỳ Liên hoan phim lần thứ 18 diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái, để cân bằng giữa “chính luận” và “thương mại”, vì không thể đốt đuốc tìm ra một bộ phim “2 trong 1”, ban giám khảo đã buộc phải chia đều giải thưởng cao nhất cho một bộ phim chính luận mang tính nghệ thuật là Những người viết huyền thoại và một bộ phim giải trí là Scandal - Bí mật thảm đỏ. Còn năm nay, thật sự chỉ có một bộ phim nổi trội hơn cả, lại vẫn là Những người viết huyền thoại, một bộ phim được dàn dựng công phu, không quá lên gân cốt, khô cứng như các bộ phim chiến tranh cùng đề tài. Nhưng không lẽ Cánh diều vàng lại xướng tên bộ phim vốn từng ẵm tới 6 giải thưởng liên hoan phim quốc gia năm ngoái. Và cái khó nữa là bộ phim này lại quá “kén” khán giả nên sau ngày công chiếu vẫn không thể trụ được quá 2 tuần tại các cụm rạp. Như thế, ai sẽ được chọn mặt gửi Cánh diều vàng?
Như điều bất thành văn: nghệ thuật thường xa lạ với tiền bạc hay tiền bạc thường trốn tránh nghệ thuật, các bộ phim giải trí như Tèo Em, Cô dâu đại chiến… đều xô đổ các phòng vé nhưng lại không được đánh giá cao về tính nghệ thuật. Đúng là vòng luẩn quẩn… Và hãn hữu lắm mới có bộ phim Quả tim máu của đạo diễn Victor Vũ với các yếu tố hài hước pha lẫn kinh dị đã lập kỷ lục doanh thu 55 tỷ đồng sau 10 ngày chiếu có thể là đối thủ xứng tầm với Những người viết huyền thoại. Song mọi chuyện còn ở phía trước và như ta thường nói xem hồi sau sẽ rõ kết cục của các Cô dâu đại chiến vào ngày trao giải 15-3.
Với sự nhạt nhòa như vậy, không khó thấy sự tụt hậu và giẫm chân tại chỗ của điện ảnh Việt Nam sau nhiều năm hội nhập với điện ảnh thế giới. Chúng ta không có một bộ phim được tham gia chính thức Liên hoan phim Cannes, hay tranh giải Oscar…, trong khi điện ảnh Campuchia có đại diện ganh đua tại giải Oscar năm nay. Có phải vì thiếu tiền mà ra nông nỗi khi nói đến điện ảnh Việt Nam là người nước ngoài chỉ nhớ đến “thời phim đen trắng” với Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang hoặc Bao giờ cho đến tháng mười. Đồng tiền rất quan trọng để tạo ra chất lượng của tác phẩm bởi nói như Bob Dylan trong một ca khúc “Tiền không nói mà tiền chỉ hét to…”, nhưng không thiếu các bộ phim kinh phí thấp của nhiều nước đã gặt hái những thành công vang dội nhờ tính sáng tạo, với lối đi riêng, bản sắc riêng.
Chúng ta từng có Mùa len trâu đã có lúc làm người xem phải bàng hoàng vì cái bản sắc riêng của chúng ta đưa lên phim lại đẹp và hay đến vậy. Nhưng đó không phải là bộ phim thuần Việt vì về cơ bản có yếu tố sản xuất từ nước ngoài. Cũng có những lần chúng ta tham dự Liên hoan phim Cannes nhưng lại do… hãng rượu tài trợ và chủ yếu là đi cho vui vì không có thảm đỏ chào đón, không có phim tham dự chính thức, không có hoạt động mang tính nghiệp vụ trong khuôn khổ liên hoan phim. Thôi thì cứ “ta về ta tắm ao ta”, ta về với cánh diều bay chơi vơi, lơ lửng trong không gian thiếu vắng sự cạnh tranh, thiếu cái “Tôi” riêng… và cứ hy vọng, chờ đợi bất ngờ từ những cánh diều sau vậy.
BÍCH AN