PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng là nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam và Nhật Bản từ những năm 1965 tại Sài Gòn. Ông đã cống hiến nhiều nguồn tư liệu quý, những bài viết có giá trị lấy ra từ Bộ sưu tập Việt Nam học mà ông đã góp nhặt hầu hết cuộc đời mình. Trong số những tư liệu góp nhặt ấy ông đã phát hiện nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 - thông qua công trình “Technique du Peuple Annamite” (Kỹ thuật của người An Nam) của Henri-Oger thực hiện tại Hà Nội vào những năm 1908-1909. Nhân dịp tết Nhâm Thìn sắp đến, xin giới thiệu một phần rất nhỏ từ công trình nghiên cứu của ông, không khí Tết cổ truyền Việt Nam ngày xưa với những trò chơi dân gian thú vị.
Chúng ta đang bước vào giai đoạn kể từ sau ngày mùng bảy tháng Giêng - tức ngày hạ niêu… Khi ấy cả nhà đã lo dọn dẹp đồ thờ, chấm dứt ngày tư ngày tết. Tuy nhiên mọi người chưa phải tất bật vội vã như những ngày hè thu.
Để hiểu biết phần nào ý nghĩa của những ngày vui xuân qua những bản vẽ của H.Oger, chúng ta cũng cần mô tả khái quát về đời sống của người Việt Nam trong việc sử dụng thời gian không những chỉ biết làm lụng mà còn biết nghỉ ngơi giải trí như thế nào?
“Tháng giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”
(Ca dao)
Với nghề trồng lúa nước, một năm người dân chỉ làm việc có bốn tháng. Khoảng thời gian còn lại nếu nhà ai có rộng đất màu, đất vườn thì lo trồng màu, trồng cây ăn quả.
Nhà ai có đất có nghề nuôi tằm thì trồng dâu, kéo kén, ươm tơ. Nếu có tay nghề thủ công thì đan mây, phấn quạt, dệt vải thêu thùa, đan lát… Không nữa thì có thể cất vó, mò cua, bắt ốc, bẫy thú nếu có nghề săn, đánh bắt…
Tuy nhiên, các khoảng thời gian ấy vẫn chưa lắp đầy mà còn đời sống văn hóa tinh thần như thả diều, thổi kèn, thổi sáo, đánh cờ, ngâm thơ… hoặc hội hè đình đám, lễ lạc trong năm, nhất là vào dịp xuân thu. Một khoảng thời gian chuyển tiếp tuy ngắn ngủi nhưng ấm dịu để chơi xuân - một nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền. Chơi xuân là một cách biết sử dụng thời gian tạm nghỉ ngơi giữa hai quy trình sản xuất, với những hình thức lễ tiết, ca múa nhạc, hát chèo…
Việt Nam, trong lịch sử lâu dài của mình, đã phải đương đầu với nạn ngoại xâm mà lòng căm thù giặc và khát vọng thanh bình còn để lại dấu ấn trong những ngày vui xuân, với hình thức lễ hội truyền thống bằng những cuộc thi võ, bắn nỏ, lăn khiên, đánh mộc hoặc còn cả trong lối thi quẳng giáo đời Lý (thế kỷ 11) giàu tính tự vệ và chiến đấu. Do đó, nói tới hội mùa xuân cũng là nói tới hội đình đám của khắp các làng mạc, với các trò đua thuyền, đấu vật, đánh phết, hát chèo, múa rối ở sân đình. Và phải chăng, những dân tộc càng lăn lộn trong chiến đấu để sống còn thì dân tộc ấy càng yêu đời, càng vui thích với nhiều tục lệ vui chơi, nhất là chơi xuân:
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già sồng sộc nó thì theo sau”.
Các trò vui chơi
a) Đánh vật
Môn này đã xuất hiện từ lâu. Hai tay đô vật đang ôm nhau, lượt quanh bãi, lừa thế để quật ngã nhau hoặc đội bổng đối thủ. Các tay võ vật trước khi vào cuộc, phải làm lễ thần ở bãi vật. Họ chỉ đóng khố lụa điếu xanh, vàng. Giải thưởng là hai quan tiền và một vuông lụa. Trong lúc thi đấu, một quan viên đánh trống chầu cầm chịch. Và một tuần đinh đánh trống khẩu bên tai hai võ sĩ, vừa để khuyến khích, vừa giục giã. Có người cho rằng, nghề đấu vật xuất phát ở Mai Động, từ thuở truyền binh tướng của bà Lê Chân - một nữ danh tướng của Hai Bà Trưng. Đấu vật còn thấy ở một số làng khác như Yên Xá tỉnh Bắc Ninh, Vị Thanh tỉnh Vĩnh Yên. Riêng làng Mai Động (Hà Nội) thường tổ chức đánh vật vào các ngày mùng 4, 5, 6 tháng giêng.
b) Bơi trải
vào những ngày hội, làng nào ở gần sông hồ cũng bày cuộc thi bơi thuyền - gọi là bơi trải. Thuyền dài và nhẹ, thường được gắn thêm chiếc đầu rồng bằng gỗ ở phía trước mũi, gọi là thuyền rồng. Có làng chắp thêm chiếc đuôi ở sau lái làm duyên. Mỗi thuyền gồm từ sáu đến mười tay bơi chèo. Họ ngồi dọc hai bên mạn và một người cầm chèo giữ lái. Mỗi nhóm bơi thuyền có cách ăn mặc khác nhau, hoặc chỉ xoay trần đóng khố. Năm sáu chiếc thuyền sắp thành hàng ngang. Người điều khiển cuộc đua cầm trống hoặc cờ. Hễ nghe tiếng trống hoặc thấy cờ phất, các tay đua liền bắt đầu vào cuộc. Thuyền lướt nhanh trên mặt nước, tiến đến đích có cắm cờ và treo bánh pháo.
Thuyền nào tới đích giựt lá cờ và đốt pháo, rồi bơi vào bờ trước là đoạt giải. Có người cho rằng đây là hình ảnh còn sót lại của việc đảo vũ thời cổ… Có người lại cho đua thuyền là mang tinh thần thượng võ, gợi lại những chiến công của các triều đại như Thập đạo tướng quân Lê Đại Hành, của Hưng Đạo Vương đời Trần đả phá quân Nguyên ở Bạch Đằng giang.
c) Thổi cơm thi
Nếu đấu vật, bơi thuyền kể trên dành cho nam nhi mang tính thượng võ thì cũng có nhiều nơi mở cuộc thi tài khéo léo dành cho các cô gái làng như thổi cơm thi. Thi thổi cơm hay thổi xôi có hai cách: thi cá nhân và thi tập thể. Người dự thi phải chạy cho nhanh đến giếng nước để lấy nước hay cướp cho được một lọ nước đã múc sẵn. Tiếp đó là kéo lửa bằng nòng tre hay giang, rồi giã thóc thành gạo để nấu. Lối chơi này thường ở làng Thị Cầu, Hà Đông.
Còn nơi khác, như làng Chuông (cũng ở Hà Đông) người ta lại bày trò oái oăm là nấu cơm trên mặt nước và tự ăn mía lấy bả làm củi đun. Người thi được cấp một số que diêm nhất định và một bó rơm. Người thi được ngồi vào chiếc thuyền thúng, bơi ra chỗ đóng cọc tre ngoài ao. Cái cọc này nhô đầu lên khỏi mặt nước độ gang tay.
Người thi phải giữ cho con thuyền khỏi trôi, vừa vo gạo, nhóm lửa. Đây là cuộc thi dành cho đàn ông, còn đối với đàn bà cuộc thi cũng thật dí dỏm. Ngoài việc ăn mía lấy bả, còn phải ẵm một đứa bé chưa biết đi và phải chăn một con cóc buộc ở sát bếp, sao cho nó không nhảy ra ngoài vạch vôi hình tròn vẽ gần chỗ thổi cơm. Có nơi không chỉ thi thổi cơm mà còn thi dệt vải và thi luộc gà sao cho gà phải thật béùo, vừa chín tới mà không nứt nở, đầu cánh sắp đặt đẹp mắt để tế thần. Những cuộc thi này thịnh hành ở làng Thổ Khôi tỉnh Phú Thọ, miền Bắc.
d) Thả diều
Diều đã có từ lâu lắm. Diều thì phải là thứ diều to, hình cánh cung, phất bằng vải sơn, để cho diều có thể chịu đựng được nắng mưa. Dây thả diều lại vót bằng tre nối lại với nhau. Chiếc diều đẹp cần phải có sáo cho tương xứng. Người ta buộc vào diều ba ống sáo nhỏ (sáo côi), sáo lớn (sáo cồng, sáo chiêng).
Đến ngày thi, người ta mang diều ra bãi và mỗi đợt thi số diều không quá năm chiếc, để ban chấm thi dễ nhận xét… Diều đã phóng lên xong, chủ diều cột dây vào cọc. Sáng hôm sau mới tuyên bố kết quả, vì ban đêm có thời giờ thẩm định tiếng sáo diều. Diều thi chọi phất bằng giấy bản, thả bằng dây đàn. Đầu và hai cánh nhọn hoắt, để dễ tấn công diều địch. Xem chọi diều, người ta mới phục tài người cầm dây điều khiển cho diều. Khi thấy diều quay tít tránh đòn, lúc lại từ trên cao bổ xuống, hay từ phía dưới vọt lên, lao vào diều địch.
e) Đánh đu
Trong các trò chơi lại có trò đánh đu. Cây đu đi vào Tết của tuổi trẻ từ trước thế kỷ 15. Trong “Hồng Đức Quốc âm thi tập” có bài vịnh cây đu. Đu có nhiều loại: nào là đu thang, đu rút, đu giằng xoay, đu tiên… Và có nhiều lối chơi đu khác nhau. Giải thưởng trong cuộc chơi đánh đu bao gồm vài chục quả cam, vài vuông vải điều, hộp chè, bao thuốc… Muốn giật giải, người chơi đu phải đu lên ngang ròng rọc. Lúc lên tới đích, có thể đưa tay với lấy chiếc khăn rồng ở tầm cao ngang cánh đu bay qua. Người đánh đu còn phải nhúng sao cho đẹp mắt:
“Nhún mình như thế nhún đu,
Càng nhún, càng dẻo, càng đu, càng mềm”
g) Đá cầu
Trong các trò chơi, chúng ta không thể không nói đến môn đá cầu với nguồn gốc xa xưa của nó. Ngày mùng 3 Tết, vua ngự ra gác Đại Hưng xem các thái tử và nội thị đá cầu. Kẻ nào đá liên tiếp không rơi là thắng cuộc. Quả cầu tròn, to bằng nắm tay trẻ con được làm bằng gấm, chung quanh quấn lụa. Lại còn có dạng đánh cầu bằng tay trên lưng ngựa mà quan lại hay chơi.
Môn đá cầu bằng gậy trên lưng ngựa, phải chăng là một môn chơi khá phổ biến của vua quan khắp châu Á? Ở Việt Nam, môn này thấy xuất hiện từ thời Lý, do du nhập từ vua quan xứ Chiêm Thành (Theo sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn). Người chơi chia làm hai phe. Mọi người đều cầm cái trượng, tức cây gậy dài bằng gỗ, dẹp bản, cố đánh quả cầu cho rơi vào cửa đối phương thì thắng cuộc.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng
(Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng)