Đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Vấn đề đặt ra là làm sao cho bộ máy bớt cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, phục vụ dân được tốt hơn. Đây là vấn đề mới, khó và ý kiến còn khác nhau. Phải thận trọng khi xem xét, cân nhắc để đi đến quyết định và tạo được sự đồng thuận. Chúng ta đã tiến hành thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở 10 địa phương từ năm 2009, đã xem xét đưa vào Hiến pháp năm 2013 những quy định mở đường cho việc sửa đổi văn bản pháp luật về chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tiễn.
Đề cập về chính quyền địa phương, chúng ta còn nhớ, trong lúc Chính phủ lâm thời non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký hai sắc lệnh 63 và 77 năm 1945 nhằm phân biệt rõ sự khác nhau của tổ chức quản lý của địa bàn nông thôn so với đô thị. Nhiều năm gần đây, chúng ta cũng đã tổ chức những đoàn đi nước ngoài để nghiên cứu mô hình chính quyền địa phương ở một số nước có cả châu Á, châu Âu... Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức nhiều phiên thảo luận, cũng như làm việc với nhiều địa phương về chính quyền địa phương.
Lần này, theo đề án chuẩn bị trình Quốc hội, phương án 1, chính quyền địa phương vẫn giữ 3 cấp. Và muốn cấp trung gian không hình thức thì phải phân cấp, phân quyền rành mạch, rõ ràng. Mà như vậy thì bộ máy cũng rất khó tinh giảm. Phương án 2, ở phường không tổ chức Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân phường do cử tri bầu trực tiếp hoặc cấp trên bổ nhiệm. Đây là phương án mà ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách còn rất khác nhau. Nếu cử tri bầu trực tiếp thì việc thay đổi chủ tịch sẽ phải thế nào, làm sao để việc chỉ đạo, điều hành cho thông suốt, linh hoạt, giải quyết nhanh công việc của dân.
Cũng đã có những đại biểu Quốc hội đề xuất mô hình chính quyền địa phương 2 cấp như một số nước, trong đó có Nhật Bản. Trước đây, thời Minh Trị Thiên Hoàng, chính quyền địa phương của họ có 3 cấp, năm 1921 còn 2 cấp và có 5 năm quá độ (cấp huyện có Ủy ban nhân dân mà không có Hội đồng nhân dân). Sau nhiều lần cải cách, Nhật Bản có chính quyền địa phương 2 cấp, có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh và khoảng 1.900 đơn vị hành chính cấp hạt.
Đối với chúng ta, nếu quyết định chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và xã) thì có thể có bước quá độ 5 năm hay thậm chí 10 năm, nhưng quan trọng là phải có sự bắt đầu cho tiến trình đổi mới này, nếu không thì khó lòng mà tinh giản bộ máy. Đổi mới sẽ có sự thay đổi, nhưng đụng chạm và phải chịu đau. Hiện nay chúng ta có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 710 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 11.000 đơn vị xã/phường. Sắp xếp các đơn vị này thế nào cho gọn và hiệu quả là bài toán khó, cần có lời giải.
Đảng bộ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã chấp hành tốt việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện/quận, phường và chủ động nghiên cứu đề xuất việc xây dựng chính quyền đô thị. Đề án đã báo cáo với Bộ Chính trị từ năm 2007. Người dân thành phố cũng rất mong việc tổ chức chính quyền sao cho phù hợp đối với một đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh để khắc phục tình trạng bộ máy quản lý không phù hợp như “chiếc áo đã quá chật” hiện nay.
Nhiều kỳ vọng xin được gửi gắm ở lần sửa đổi này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ có bước đổi mới, tạo thêm động lực để phát triển nhanh và bền vững.
PHẠM PHƯƠNG THẢO
(Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM)