90% công nghệ xử lý chất thải đang được ứng dụng ở nước ta là ngoại nhập. Điều này xuất phát từ thực tế nhu cầu đầu tư xử lý chất thải của nước ta rất cao trong khi ngành công nghiệp sản xuất công nghệ này gần như chưa được hình thành. Trước thực tế trên, trong 3 năm lại đây, một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực này. Nhiều sản phẩm là công nghệ xử lý chất thải ra đời với chất lượng không thua kém chất lượng hàng ngoại nhập, giá thành cạnh tranh hơn nhiều nhưng vẫn bị từ chối sử dụng.
Nhiều DN đã không khỏi bức xúc khi cho rằng tâm lý sính ngoại vẫn tồn tại không ít trong các cơ quan nhà nước. Đơn cử như đối với các bệnh viện cấp quận huyện và thành phố đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng ngân sách nhà nước, thay vì họ ưu tiên chọn công nghệ “made in Vietnam” chất lượng cũng không thua ngoại nhập, giá thành bằng 1/2 giá thành công nghệ ngoại, chi phí xử lý cũng rẻ hơn nhưng họ vẫn không chọn.
Cách lựa chọn này đã gây không ít lãng phí ngân sách nhà nước. Ví dụ công nghệ xử lý nước thải bệnh viện đạt tiêu chuẩn loại A của Nhật có giá thành đầu tư khoảng 3,8 tỷ đồng/100m³, chi phí xử lý 1.200 đồng/m³. Trong khi cũng với chất lượng nước thải sau xử lý như trên, nếu chọn công nghệ nội thì giá thành chỉ mất 1,5 tỷ đồng/100m³ và chi phí vận hành, xử lý chỉ mất 1.000 đồng/m³. Còn thời gian bảo hành và tuổi thọ công trình đều tương đương nhau.
Không chỉ vậy, với cách lựa chọn trên còn làm giảm khả năng kích thích phát triển ngành công nghệ xử lý môi trường. Trên thực tế, do khó tìm được chỗ đứng tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp đã vươn ra thị trường nước ngoài. Kết quả là họ đã và đang được đón nhận rất nồng nhiệt.
Do vậy cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” nên bắt đầu từ ý thức của các cơ quan chức năng. Có như vậy thì sức lan tỏa trong cộng đồng mới sâu và rộng.
Hạ Lan