Nhiều năm nay, chúng ta vẫn tự hào là nước xuất khẩu lúa gạo đứng nhất nhì, trong đó ĐBSCL là cái nôi lúa gạo của thế giới, góp phần ổn định an ninh lương thực. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, điều đáng buồn là nông dân ở đây mới chỉ sử dụng khoảng 30% - 40% giống xác nhận, còn lại vẫn đang dùng những loại giống được chọn tạo theo kiểu nông hộ, tức là lúa mùa trước thì để dành làm giống cho mùa vụ sau.
Để phục vụ chương trình giống và phát triển nông nghiệp, hiện nay chúng ta đang duy trì cả mạng lưới đầy đủ các viện, trường, trung tâm với tổng cộng 10.895 cán bộ công chức làm khoa học, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư nông nghiệp, cử nhân, nhưng Bộ NN-PTNT thừa nhận hàng năm số lượng giống được công nhận, có hiệu quả thực tiễn cao, mang tính thương mại lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cho đến nay, đối với lúa lai được kỳ vọng là những giống có sức chống chịu và cho năng suất cao, chúng ta đang phải phụ thuộc khoảng 70% vào nguồn nhập ngoại. Đối với thủy sản, mặc dù hiện chúng ta đã chủ động được giống cá tra, cá ba sa nhưng với tôm thẻ chân trắng thì 100% phụ thuộc nhập khẩu, còn tôm sú cũng nhập khoảng 20% tôm giống bố mẹ. Mới đây, Bộ NN-PTNT khẳng định ngành thủy sản của chúng ta đã đạt được những dấu mốc ngoạn mục (cả ngành nông nghiệp xuất siêu 8,2 tỷ USD thì riêng thủy sản đã chiếm hơn 5 tỷ USD) nhưng việc phụ thuộc nguồn con giống từ nước ngoài đang tiềm ẩn những chông chênh về giá cả, chất lượng.
Trong khi đó, tại một hội nghị về đổi mới sản xuất lúa gạo Việt Nam theo hướng gia tăng giá trị và bền vững vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho rằng tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm và không bền vững. Các chuyên gia từ nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần phải tạo một cuộc cách mạng về các giống mới để tái cơ cấu nông nghiệp. Giống tốt có thể coi là gốc rễ của một nền nông nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, bây giờ chúng ta không thể chạy theo những giống chỉ cho năng suất và sản lượng cao như trước nữa mà xu thế chung là phải lựa chọn để sản xuất những giống mang lại giá bán và giá trị cao. Đơn cử như về giống lúa, hiện giá xuất khẩu chúng ta đang bán khoảng 350 - 400 USD/tấn nhưng nếu có gạo thơm chất lượng cao sẽ được trả giá tới 600 - 800 USD. Để tăng giá trị lúa gạo, phải bắt đầu từ việc đầu tư nghiên cứu và sản xuất những giống tốt, giảm dần phụ thuộc vào giống nhập khẩu. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam và đảm bảo tính bền vững, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Có cơ chế đầu tư thỏa đáng cho các nhà khoa học và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc chọn tạo, ứng dụng giống mới chính là giải pháp hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bộ NN-PTNT cũng khẳng định nhà nước sẽ tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao các giống mới có chất lượng, nhất là thu hút sự tham gia của doanh nghiệp; có hình thức hỗ trợ bằng tiền sau đầu tư cho những doanh nghiệp, cá nhân có giống được công nhận và áp dụng nhiều trong sản xuất đại trà. Tiếp tục nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ về giống bao gồm bảo tồn quỹ gen, đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh học và biến đổi gen để có những giống mang tính đột phá về năng suất, giá trị. Tăng cường các giống gốc, siêu nguyên chủng gắn với đầu tư nâng cấp và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, nhất là các cơ sở nghiên cứu giống chiến lược. Một yêu cầu nữa là phải tăng cường hệ thống thanh tra và kiểm soát giống, ngăn chặn tình trạng sản xuất giống giả hoặc kém chất lượng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu để chọn tạo, chuyển giao những giống tối ưu, khai thác các lợi thế khoa học kỹ thuật sẵn có về giống từ quá trình hội nhập.
VĂN PHÚC HẬU