Chông chênh... bóng đá

Nếu chỉ tính riêng cho SEA Games 26, có thể nói rằng đội tuyển bóng đá U.23 Việt Nam vừa có một khởi đầu không đến nỗi tệ. Nhưng nếu nhìn cả quá trình chuẩn bị suốt hơn 2 tháng thì thật đáng lo ngại. Và nếu xét cả chặng đường dài gần 2 thập kỷ được cho là phát triển qua thì cần phải thừa nhận: bóng đá chúng ta chẳng tiến lên một chút nào !

Lối đá mà đội U.23 chiến thắng trước Philippines quá đỗi hồi hộp. Những cầu thủ có giá bạc tỷ trên thị trường chuyển nhượng, đã chơi chuyên nghiệp vài ba năm qua thế mà vẫn không biết cách sút tung lưới đối phương trong các tình huống sút vào còn dễ hơn đá ra ngoài. Áp lực tâm lý ư? Đâu phải lần đầu tiên chúng ta đá SEA Games. Đội bóng này đã trải qua 6 trận ở 2 giải tập huấn có tiền thưởng trước khi sang Indonesia.

Câu trả lời chính xác nhất đó là sau bao nhiêu năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, rốt cục chúng ta vẫn dự SEA Games bằng tâm thế cũng như một trình độ chẳng khác gì trước đây. Philippines, Lào, Myanmar sau lượt trận đầu tiên đều cho thấy có tiến bộ. Từ vị trí của những “chiếc rổ đựng bóng”, nay họ có thể gây khó khăn cho Việt Nam.

Ngược lại, với kiểu lãng phí cơ hội một cách khó tin như vừa qua, rõ ràng chính chúng ta đang tự làm khó mình.

Từ SEA Games 1995 đến nay đã là 16 năm. Cũng chừng ấy thời gian người hâm mộ thèm khát, trông đợi chiếc HCV bóng đá. Cũng trong quãng thời gian đó, cả nền bóng đá quốc nội trải qua biết bao biến cố nhằm thanh lọc “cơ thể” và cũng trải qua 2 thế hệ được gọi là “vàng”, vậy mà mọi thứ lại cứ phải bắt đầu bằng một đội tuyển mới, một ông thầy ngoại mới và tương lai thì chẳng chắc chắn được điều gì.  Trong khi đó, bóng đá Malaysia chịu đau một lần để làm trong sạch làng bóng, rồi chỉ trong vòng 10 năm, họ xây dựng nên một thế hệ đoạt cả HCV SEA Games lẫn ngôi số 1 Đông Nam Á. Họ đã có những kết quả hết sức khích lệ và hiện đã hướng đến mục tiêu châu lục.

Trong ngày thầy trò U-23 Việt Nam hồi hộp vượt qua Philippines, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tiến hành đại hội thường niên giữa nhiệm kỳ 6. Cả làng cầu chờ đợi đây là lúc ra đời của công ty quản lý V-League (VPF) như là một bước ngoặt để phát triển bóng đá. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, việc hình thành công ty ấy vẫn còn phải chờ khi sự tranh cãi về quyền lợi cũng như cơ chế hoạt động của nó vẫn còn căng thẳng giữa VFF và các CLB.

Ai cũng biết, ý tưởng thành lập VPF mới chỉ là một giải pháp nhằm tránh sự sụp đổ của cả nền bóng đá chuyên nghiệp đang đi vào ngõ cụt sau 10 năm thử nghiệm. Người ta hy vọng nó sẽ mở ra một hướng đi mới chứ cũng chưa chắc đã làm cho nền bóng đá phát triển hơn. Thế mà ngay cả chuyện thành lập công ty ấy đã mất gần 2 tháng trời vẫn chưa xong hành lang pháp lý.

Xuyên suốt toàn bộ vấn đề, mấu chốt vẫn là xu hướng “lợi ích nhóm” mà VFF phần nào đó cho thấy họ không muốn bị mất quyền lực vào tay các CLB. Bao nhiêu năm qua, các giải bóng đá trở thành “con bò sữa” nuôi cả bộ máy quản lý. Vì thế, các giải bị khai thác vô tội vạ, dẫn đến loạn giá trị của cầu thủ nhưng lại không tìm đâu ra nhân tài cho các đội tuyển quốc gia. VFF quản lý nền bóng đá kém cỏi như thế nào, cứ nhìn cách mà thầy trò ông Falko Goetz bắt đầu SEA Games 26 thì biết. Vậy mà ngay cái việc cải tổ bộ máy, thay đổi cách quản lý, chia sẻ thêm công việc và quyền lực cho xã hội vẫn không được VFF thực hiện.

Bóng đá Việt Nam đang đi trên một con đường quá đỗi gập ghềnh, sa đà vào những tiểu tiết kiểu như phải đoạt cho bằng được HCV mà chưa có một lộ trình vững vàng nào từ những vấn đề cơ bản nhất. 

VIỆT TÂM

Tin cùng chuyên mục