60 học sinh đến từ 14 trường trung học cơ sở ở các huyện Cao Phong, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), Bạch Thông, Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) và Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng vừa hoàn thành một hoạt động độc đáo: làm 10 mô hình 3D để tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Khác với những cách thể hiện thông tin theo các hình thức trao đổi, hỏi đáp trước đây, ban quản lý các dự án y tế của ChildFund đã phối hợp với các tư vấn đưa chương trình tạo hình khối trong không gian (hình khối 3D) thể hiện các nội dung liên quan tới chủ đề thông tin đến tập huấn cho các em.
Mỗi nhóm học sinh lần lượt được cô Lê Thị Hiền, giảng viên ngành Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, truyền đạt những kiến thức cô đọng về việc tạo hình khối bằng các vật liệu tái chế, có sẵn như dây thép, giấy dó, hồ nước, màu vẽ, ống hút đã qua sử dụng. Các em sau đó được chia nhóm và xây dựng các tình huống từ những kiến thức thu lượm được từ các chương trình tập huấn và từ cuộc sống hàng ngày để xây dựng câu chuyện cho mô hình hình khối sẽ làm. Khi hoàn thành, mỗi nhóm cử đại diện thuyết trình ý tưởng của mô hình và thông điệp hướng tới cho mỗi chủ đề thực hiện.
“Em thấy đây là một hình thức truyền đạt thông tin sinh động hơn và dễ tiếp thu hơn đối với lứa tuổi học sinh như chúng em. Ngoài việc được giảng dạy các kiến thức liên quan tới HIV/AIDS, em được học và ôn lại những kiến thức cơ bản về mỹ thuật, tiếp thu thêm những kiến thức mới về tạo hình 3D. Em nghĩ nếu cách tạo hình này được áp dụng trong các bài học khác như lịch sử, địa lý… thì chúng em cũng sẽ hứng thú học tập hơn rất nhiều”, em Nguyễn Khắc Toàn, học sinh lớp 7 Trường THCS Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết.
Ngoài những kiến thức liên quan tới HIV/AIDS, và mỹ thuật như sử dụng màu sắc, tạo hình khối, bố trí không gian, các em còn học được cách làm việc nhóm trong đó, mỗi thành viên của nhóm đều có vai trò và trách nhiệm nhất định trong việc tạo thành tác phẩm. Thông qua những hoạt động như thế này, các em cũng dần xây dựng được cách làm việc độc lập cũng như phối hợp với các thành viên trong nhóm, được củng cố và luyện tập khả năng thuyết trình trước đám đông và điều hành các cuộc tập huấn cho các bạn đồng trang lứa.
Cô Lê Thị Hiền chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ vì các tác phẩm mà các em đã thực hành và thể hiện. Chỉ trong hai ngày, khóa tập huấn đã truyền đạt và tạo điều kiện cho các em vận dụng những kiến thức cô đọng về tạo hình 3D để thể hiện một nội dung không hề đơn giản. Các em học sinh ở độ tuổi 12-15 đã có thể nắm bắt các kiến thức này, những kiến thức từ bậc đại học của chuyên ngành Điêu khắc, một cách thành thục và thực hành rất tốt và gây bất ngờ cho chính những người hoạt động trong ngành mỹ thuật chuyên nghiệp như chúng tôi. Ngoài ra, không những sử dụng tốt ngôn ngữ tạo hình, các em còn cho chúng tôi thấy vốn kiến thức nền chuẩn về chủ đề mà mình trình bày”.
Tại triển lãm, sau khi các đội tham gia trình bày xong phần thuyết trình về mô hình mỗi đội đã xây dựng và câu chuyện, thông điệp ẩn sau mỗi mô hình đó, bà Mai Thị Thúy Hảo, quản lý mảng y tế của ChildFund, đã thay mặt ban giám khảo và ban tổ chức tổng kết các thông tin từ các đội. Các em học sinh một lần nữa được kiểm tra nhanh kiến thức liên quan tới phòng chống lây truyền HIV/AIDS và được thể hiện hiểu biết của các em về các chủ đề liên quan. Nhiều kiến thức kỹ thuật như không được nặn vết thương hở khi dẫm phải kim tiêm đã được các em trả lời cặn kẽ lý do và kỹ thuật cơ bản để tự bảo vệ bản thân, phòng chống lây nhiễm HIV.
Mục đích nâng cao nhận thức về HIV/AIDS cho học sinh lứa tuổi vị thành niên là một hoạt động của mảng y tế thuộc chương trình Xây dựng cộng đồng vững mạnh và tự lực của ChildFund tại Việt Nam. Giai đoạn thứ hai của dự án được tiến hành đồng thời tại 5 huyện ở 3 tỉnh, thu hút hơn 150 em học sinh và giáo viên phụ trách. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động truyền thông tại các trường trung học cơ sở khi dự án tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản vị thành niên trong thời gian tới.
Kiều Trang