Một đêm cách nay hơn 17 năm, vùng bán đảo Cà Mau đã xảy ra một sự kiện khiến không ít người bàng hoàng: Hàng trăm nông dân xã Phong Thạnh Tây, Tân Phong (huyện Giá Rai, Bạc Liêu), xã Phong Thạnh Nam (huyện Phước Long, Bạc Liêu) và xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cầm vá, cuốc, xẻng… kéo đến đập Láng Trâm - một con đập ngăn mặn trong dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau đòi phá đập. Mặc dù chính quyền địa phương ra sức hòa giải nhưng bất thành. Con đập Láng Trâm to đùng, ngăn dòng nước mặn từ sông Cà Mau - Bạc Liêu vào vùng ngọt ổn định vỡ ngay trong đêm đó.
Điều đáng nói, chính những người nông dân đó cũng đã từng cầm vá, cuốc, xẻng… chung tay đắp con đập để ngăn dòng nước mặn, để gieo hạt lúa trên cánh đồng Cà Mau - Bạc Liêu. Nhưng rồi sản xuất lúa kém hiệu quả, trong khi nuôi tôm có lãi hơn nên bà con phải làm “chuyện động trời” để thay đổi cuộc sống và số phận mình.
ĐBSCL là vùng đất giàu tài nguyên, là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, từng được mệnh danh là “bát cơm châu Á”. Từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, để phục vụ cho an ninh lương thực quốc gia, nhiều công trình thủy lợi trọng điểm đã được Đảng và Nhà nước đầu tư, mang lại hiệu quả thiết thực như: khai phá Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa Nam Măng Thít, ngọt hóa Gò Công. Các dự án này và hàng chục công trình cống, đập, đê, kênh… quan trọng khác đã góp phần thau chua rửa phèn, nâng sản lượng lúa toàn vùng lên mức cao kỷ lục, đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu gạo, đời sống nông dân, nông thôn ngày một đổi thay.
Tuy nhiên, quá trình phát triển thủy lợi ở ĐBSCL cũng xảy ra nhiều sai lầm, dẫn đến thất bại của một số dự án như Ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Ngọt hóa Bắc Bến Tre. Các dự án này không coi nước mặn là tài nguyên nên ở vùng ven biển thời kỳ đầu chỉ đắp đập ngăn mặn, không phải kiểm soát mặn nên có làm cống cũng thiên về 1 chiều, không đủ năng lực phân chia “mặn - ngọt” nên không chủ động cấp thoát nước theo yêu cầu của nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa, mà việc phá đập Láng Trâm là một ví dụ. Ngoài ra, các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An không kiểm soát được việc phát triển đê bao và đưa lúa vụ 3 ở vùng ngập lũ thành chính vụ và phải gánh chịu thiệt hại khi xảy ra lũ lớn như hiện nay. Hay một số công trình thủy lợi làm rất quyết tâm nhưng không hiệu quả như dự án Ô Môn - Xà No.
Trong khi chưa rút ra được những kinh nghiệm và bài học từ các dự án thủy lợi dang dở trước đây, thì trước áp lực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn, để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân ĐBSCL, nhiều ý tưởng công trình thủy lợi quy mô đã ra đời. Cách nay 7 năm, ý tưởng xây dựng đê biển Vũng Tàu - Gò Công đã được Bộ NN-PTNT triển khai thăm dò. Đây là dự án tổng hợp đa mục tiêu, quy mô lớn, liên quan trực tiếp đến vùng đất thấp thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ và hệ thống sông Đồng Nai, bao gồm khu vực TPHCM, Đồng Tháp Mười và khu vực Gò Công (tỉnh Tiền Giang) với tổng diện tích khoảng 1.010.000ha; hay như dự án xây dựng 8 cống ven sông Hậu kéo dài từ Cần Thơ lên An Giang. Và gây tranh cãi nhất hiện nay là dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Riêng dự án này có số vốn đầu tư ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng.
Sau “hội nghị Diên Hồng” về phát triển ĐBSCL được tổ chức vào tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, mục C của phần 2 Nghị quyết (về tầm nhìn, mục tiêu) nêu rõ: “Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Công”.
Đây cũng là tâm huyết mà các chuyên gia, các nhà khoa học đã đóng góp tại hội nghị và trên nhiều diễn đàn khác. Theo đó, vấn đề đặt ra với ĐBSCL hiện nay là thiếu đa dạng cây trồng vật nuôi chứ không chỉ là mâu thuẫn mặn - ngọt. Nếu không thấy được vấn đề căn nguyên trên thì sẽ mãi loay hoay với các công trình, tạo ra sự mâu thuẫn không đáng có. Rõ ràng, trong quá trình xây dựng và phát triển ĐBSCL không thể thiếu các giải pháp công trình, nhưng quan điểm của Chính phủ và các nhà khoa học là để ĐBSCL sống thuận theo tự nhiên. Trong khi đó, ngành nông nghiệp luôn đề ra các dự án thủy lợi, đê bao, cống đập với số vốn mỗi công trình hàng ngàn tỷ đồng. Điều này khiến dư luận băn khoăn và đặt ra câu hỏi liệu có hay không lợi ích nhóm từ các công trình, dự án này?
Phát triển ĐBSCL là mục tiêu quốc gia, giữ cho vùng đất này trù phú là nhiệm vụ chung của cả nước; người dân ĐBSCL luôn mong muốn được sống an toàn và giàu có. Vì thế, đầu tư vào ĐBSCL phải xuất phát từ chính lợi ích của người dân vùng đất này. Đó mới là sự phát triển bền vững như tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP đã nêu!