Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay nhiều công trình chống ngập, tiêu thoát nước ở các địa phương như TP Thủ Dầu Một, Thuận An, huyện Bến Cát... đang được gấp rút hoàn thành cùng với các giải pháp thường xuyên như khơi thông cống rãnh, kênh mương, hạn chế cơ bản tình trạng ngập úng trên địa bàn.
Gấp rút hoàn thành dự án trọng điểm
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Bình Dương đã đề ra định hướng: Xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp với các nhiệm vụ cụ thể như nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu của cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng; thực hiện tốt công tác dự báo, quy hoạch nhằm hạn chế tối đa tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khắc phục tình trạng ngập lụt.
Trong 4 năm qua, hàng loạt dự án thoát nước, chống ngập trọng điểm đã được đầu tư, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng, trong đó, các công trình thoát nước trục với quy mô lớn, như hệ thống thoát nước Dĩ An - khu công nghiệp Tân Đông Hiệp; dự án Bưng Biệp - Suối Cát có nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, nước thải đã qua xử lý cho lưu vực 2.537ha thuộc các phường Bình Chuẩn, Thuận Giao và thị trấn An Thạnh, TP Thuận An và hai phường Phú Hòa, Phú Thọ (TP Thủ Dầu Một); công trình trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn (TP Thuận An) cũng đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2020 sẽ thu nhận nước mưa và nước thải đã qua xử lý cho lưu vực khoảng 1.702ha, kết hợp hệ thống thoát nước, giao thông nội vùng sẽ khắc phục tối đa tình trạng ngập úng như hiện nay. Dự án được chia làm 2 lưu vực thoát nước, gồm: lưu vực Suối Đờn và lưu vực Chòm Sao, với 8 tuyến kênh tiêu thoát nước, trong đó có 2 tuyến làm mới và 6 tuyến đi theo tuyến kênh (rạch) hiện có, được chia thành 15 gói thầu hiện đã cơ bản hoàn thành; riêng gói thầu còn lại thuộc tuyến rạch Chòm Sao đã hoàn thành trên 85% khối lượng nhưng đang vướng đền bù giải tỏa, đang được TP Thuận An và ngành chức năng gấp rút giải quyết để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Đến nay, công trình này đã giải quyết cơ bản tình hình ngập úng cho lưu vực đường 22-12, khu dân cư Việt - Sing, lưu vực Quốc lộ 13 và phụ cận của dự án.
Trong khi đó, TP Thủ Dầu Một cũng đã hoàn thành việc lắp đặt van ngăn triều cho khu vực chợ Thủ Dầu Một, lắp đặt lan can, chiếu sáng 3 tuyến kênh Thủ Ngữ, Thầy Năng, Bưng Cải và đầu tư 58 công trình nạo vét khai thông dòng chảy, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi, cơi đắp bờ bao với chiều dài hơn 10.000m, kiên cố hóa 200m...
Nâng cao ý thức người dân
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, cho biết, công tác xử lý ngập úng của thành phố thời gian qua chưa hiệu quả do công tác dự báo và quy hoạch trước đây chưa được coi trọng. Hiện trên địa bàn còn 5 điểm ngập nặng khi có mưa lớn kéo dài là đường Lê Thị Trung (phường An Phú), đường Cách Mạng Tháng Tám (phường An Thạnh), đại lộ Bình Dương, đoạn qua khu vực ngã tư cầu Ông Bố và phường Vĩnh Phú và khu vực siêu thị Metro (đoạn cầu Trắng - suối Giữa). Thuận An đã triển khai làm các hồ điều tiết nhỏ ở khu vực phường Lái Thiêu, An Phú; đầu tư hệ thống thoát nước dọc ở đường Cây Me, phường Bình Nhâm và hệ thống thoát nước dọc ở đường Thuận An Hòa, Thuận Giao 21... để giảm tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn. Đến cuối năm 2021, Thuận An sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống hạ lưu thoát nước đường Bình Chiểu 63, khi đó sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng ngập úng ở khu vực ngã sáu An Phú (phường An Phú), nơi được xem là rốn ngập của tỉnh mỗi khi có mưa lớn. Theo ông Tâm, giải pháp trước mắt địa phương đang thực hiện phát huy hiệu quả tốt, tiết kiệm, đó là do vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh rạch.
Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, trong công tác phòng chống ngập úng thì ý thức của người dân là rất quan trọng, bởi việc xả rác ra kênh làm tắc nghẽn dòng chảy hay lấn chiếm hành lang sông là một trong những nguyên nhân gây ngập úng cục bộ. Trong khi đó, các công trình thoát nước trục thường sử dụng vốn đầu tư công, triển khai xây dựng mất nhiều thời gian và phải phân kỳ đầu tư nên vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân chung tay phòng chống ngập úng là giải pháp hiệu quả hiện nay.