Cuối tuần qua, chúng tôi thử lấy ý kiến một nhóm bạn trẻ ở TPHCM xem điều gì là nỗi lo thường trực trong đời sống đô thị ngày nay. Kết quả: việc làm, nạn kẹt xe, ô nhiễm, ngập lụt… là những mối quan tâm hàng đầu của cư dân đô thị. Điều này không chỉ đúng đối với TPHCM, Hà Nội… mà còn đúng với nhiều đô thị lớn của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngay cả đối với Nhật Bản - đất nước có hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh, công nghệ hiện đại bậc nhất, đây cũng là vấn đề “đau đầu” đối với giới khoa học và các cơ quan chức năng. Tại Hội thảo khoa học về xây dựng các đô thị trong khu vực châu Á diễn ra tại Fukuoka - Nhật Bản vào năm 2007 mà người viết bài này may mắn được tham dự, nhiều cư dân đô thị đang sống ở các nước trong khu vực được mời thảo luận tại hội thảo đều xem đây là thách thức hàng đầu.
Trong những năm qua, TPHCM đã đầu tư xây dựng hàng loạt công trình chống ngập với tổng số tiền đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đến nay, TPHCM đã đưa vào vận hành hơn 120 tuyến cống thoát nước với chiều dài 230km cống; hoàn thành 150 hạng mục công trình xóa giảm ngập hiện hữu tại khu vực trung tâm TP; lắp đặt hơn 600 van ngăn triều tại các cửa xả, khu vực có nguy cơ ngập. Đồng thời, các quận, huyện đã tiến hành khơi thông dòng chảy gần 180 tuyến kênh rạch, nạo vét hàng ngàn kilômét cống thoát nước… Nhờ đó, hiện nay nhiều điểm ngập tại khu vực trung tâm TPHCM đã hết ngập, đời sống người dân được cải thiện. Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, điều đáng lo là TPHCM đang đối diện với nguy cơ tái ngập. Sài Gòn xưa, nay là TPHCM hình thành và phát triển trên một khu vực đầm lầy lớn với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Do sự phát triển quá “nóng”, thiếu sự kiểm soát diễn ra trong một thời gian dài, nhiều kênh rạch bị san lấp, gây tắc dòng chảy nghiêm trọng mỗi khi có mưa hoặc triều cường. Đặc biệt, trong những năm gầy đây, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến gay gắt dẫn đến nhiều cơn mưa bất thường, lượng mưa lớn và đỉnh triều cao vượt mức trung bình hàng năm. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia có uy tín về thiết kế, quy hoạch đô thị cho rằng, việc xây dựng quá nhiều công trình hạ tầng, cao ốc ở phía Nam TP cũng góp phần hạn chế dòng chảy, gây ngập lụt ở khu vực nội thành và một số vùng phụ cận.
Giải quyết vấn đề ngập trên địa bàn TPHCM là một trong những chương trình, mục tiêu có tầm quan trọng đặc biệt. Trong thời gian tới, TPHCM cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình chống ngập ở những vị trí trọng yếu, tăng cường nạo vét hệ thống kênh rạch nhằm khơi thông dòng chảy. Đồng thời, các quận - huyện phải quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng san lấp kênh rạch trên địa bàn. Trong quy hoạch tổng thể của TP, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên rà soát lại, nếu cần thiết có thể sớm điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hướng ra biển. Bên cạnh đó, cần tính toán, xem xét thận trọng việc xây dựng các công trình quy mô lớn ở hướng thoát nước của dòng chảy để tránh tình trạng tắc nghẽn mỗi khi có mưa lớn hoặc triều cường.
Nguồn vốn đầu tư lớn luôn là vấn đề gây nhiều khó khăn cho công tác chống ngập trên địa bàn TP. Cùng với các nguồn lực tự có, TP cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các định chế tài chính quốc tế như World Bank (WB), IMF hay các nguồn vốn ODA. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao để xây dựng, quản lý, điều hành hệ thống chống ngập là hết sức cần thiết trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt. Nhật Bản, Singapore… là những nước trong khu vực châu Á có công nghệ chống ngập hiện đại hàng đầu, chúng ta có thể học tập nhiều kinh nghiệm quý giá của họ.
Việc giải quyết ngập và chống tái ngập trên địa bàn một TP có quy mô lớn, địa bàn rộng như TPHCM thực sự không phải là vấn đề đơn giản, có thể giải quyết ngày một ngày hai. Để làm được điều này, ngoài sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các địa phương, các cơ quan chức năng của TPHCM và sự hỗ trợ của các ban, ngành trung ương. Đặc biệt, người dân TP cần tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của những cư dân đô thị hiện đại, làm tốt công tác tuyên truyền trong việc bảo vệ và giữ gìn hệ thống kênh rạch ngày càng xanh - sạch, đáp ứng yêu cầu phát triển của một TP năng động bậc nhất của cả nước.
TÔ NGUYỄN