Khi người dân được hưởng lợi từ rừng thì họ sẽ góp sức bảo vệ rừng. Tạo sinh kế cho người dân bằng văn hóa bản địa gắn với môi trường rừng là cách làm bền vững. Điều khó khăn ấy đang được thực hiện hiệu quả tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng).
Một ngày theo chân tình nguyện viên
Nghe tin chị Shimizu Saika được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cử sang Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà làm tình nguyện viên trong 2 năm để giúp người dân bản địa lựa chọn sinh kế thân thiện với môi trường và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tôi tức tốc đến tìm. 8 giờ đến nơi, hỏi thăm thì biết chị đang dọn nhà vệ sinh. Anh K’Vâng, đồng nghiệp của chị, cười bảo: “Cứ thấy việc là Saika lăn vào làm, chẳng nề hà gì”.
|
15 phút sau, dọn vệ sinh xong, Saika lại vội vã lên lầu một của Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tham dự lớp học múa cùng các em gái người K’Ho Chil. Mới học có hai buổi mà thầy Krajan Plin bảo Saika tay múa chân bước đã nhịp nhàng và mềm mại lắm. Một giờ sau, nhân viên lễ tân lên báo có đoàn học sinh đến tham quan, Saika nhanh chóng xuống tầng trệt làm hướng dẫn viên. Đoàn 12 học sinh được hướng dẫn quây tròn trên một bãi cỏ rộng để tham gia trò chơi được lồng vào thông điệp bảo vệ rừng đầy lý thú.
Sau đó, Saika dẫn đoàn học sinh vào khám phá rừng theo tuyến thác Thiên Thai. Các em được ngắm các loài chim đặc hữu của vườn, học cách nhận dạng và thu mẫu quả, lá, vỏ thông, khoan cây để định tuổi, lấy mẫu đất… Một chuyến đi được huy động mọi giác quan để các em cảm nhận, hiểu và yêu rừng.
13 giờ, bữa cơm trưa ăn muộn vừa xuôi xuôi, Saika liền ngược ra thôn Đa Blah, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương để kiểm tra lớp học dệt thổ cẩm. 8 chị phụ nữ trong thôn đang chân thẳng lưng gò cần cù ngồi căng khung, luồn thoi dưới sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân Roong K’Tuyn đến từ thôn B’Nơr C, xã Lát, huyện Lạc Dương. Mỗi tuần 3 ngày chị Roong K’Tuyn miệt mài chạy xe máy gần 60km xuống hướng dẫn chị em kéo từng đường chỉ, phối màu, tạo hoa văn để dệt những dải băng đô, mảnh khăn, chiếc túi, tấm choàng.
Lâu nay các nghệ nhân dân gian vốn chỉ dệt theo cái mình biết chứ chưa theo những gì khách hàng cần. Để hài hòa giữa bảo tồn văn hóa của đồng bào với việc thu hút khách du lịch, Saika đã mày mò thiết kế mẫu hoa văn mới để các nghệ nhân K’Ho Chil phả nét hiện đại vào thổ cẩm truyền thống.
Nhờ thế, nhiều loài thực vật đặc hữu của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà như thông 5 lá Đà Lạt, bách xanh, p’mu… trở thành những hoa văn đẹp, độc đáo trên các sản phẩm làm từ thổ cẩm và được khách du lịch yêu thích. Chị Kon Sak Ylên, thành viên của lớp, khoe: “Mỗi ngày tôi dệt 5 đến 6 cái dây buộc đầu kích thước 3,5cm x 1,1m, bán được từ 25.000 đến 30.000 đồng, trừ chi phí 8.000 đồng mua chỉ kiếm được khá mà lại có thêm nghề làm quanh năm”.
Sau đó, Saika lại nhanh chóng trở lại vườn để đứng lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch người địa phương, thiết kế phòng trưng bày, đi rừng điều tra sinh cảnh, viết tài liệu giáo dục môi trường cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông hay chỉ đơn giản là thấy gì làm nấy để góp sức cho vườn.
Trong một lần tham gia tour du lịch học tập tại vùng nông thôn phía Đông Thái Lan khi học cấp hai, tận mắt chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân địa phương, chị Shimizu Saika (sinh năm 1986), đã có suy nghĩ “mong muốn được làm việc có ích cho người khác” và bắt đầu quan tâm đến các hoạt động tình nguyện. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã từng tham gia hoạt động tình nguyện đi trồng cây tại một số nước châu Á. Tốt nghiệp ngành Nghiên cứu môi trường tại Đại học Rakuno Gakuen, Nhật Bản, chị vào làm việc tại Trung tâm Đa dạng sinh học tỉnh Yamanashi trong vai trò là một chuyên viên kỹ thuật, phụ trách quản lý dữ liệu nghiên cứu môi trường tự nhiên, thúc đẩy nhận thức về đa dạng sinh học.
Sau hơn 3 năm công tác, với mong muốn được cống hiến những kinh nghiệm mình tích lũy được, chị đã đăng ký tham gia vào chương trình phái cử tình nguyện viên của JICA. “Yêu thích Việt Nam và nghĩ rằng nếu được cử sang thì có thể cống hiến cho việc thực hiện bảo tồn môi trường tự nhiên ở một lĩnh vực có tính công ích cao là quản lý vườn quốc gia. Thế nên tôi đã đăng ký đến Bidoup - Núi Bà”, chị tâm sự.
Người dân là trung tâm
|
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, có diện tích 66.067,47 ha. Qua khảo sát, các nhà khoa học đã ghi nhận được 1.933 loài thực vật và 398 loài động vật.
Trong vùng đệm của vườn quốc gia hiện có 3.100 hộ dân với 17.051 nhân khẩu (92% là đồng bào người K’Ho Chil), sinh sống trên địa bàn các xã Lát, Đa Sar, Đa Nhim, Đa Chais, Đưng K’Nớh, thị trấn Lạc Dương của huyện Lạc Dương và xã Đa Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Hầu hết người dân địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông nhưng quỹ đất có hạn, hầu hết là đất rừng, năng suất lại thấp. Kết quả là đa dạng sinh học của vườn luôn bị đe dọa bởi cuộc giành giật lấy đất rừng làm đất nông nghiệp.
Không dựa vào dân là thua. Quản lý rừng phải có sự tham gia của cộng đồng, nhất là người dân tộc thiểu số vốn sống bao đời nay bằng nguồn lợi từ rừng, có nền văn hóa gắn với rừng. Đời sống của họ nâng cao thì nguy cơ phá rừng sẽ giảm. Cải thiện sinh kế cho người dân địa phương và thiết lập hệ thống quản lý rừng bền vững có sự tham gia của họ là giải pháp quan trọng.
Suy nghĩ như vậy nên năm 2005, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, đã viết dự án Tăng cường năng lực dựa vào cộng đồng cho Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà gửi tới JICA. Bàn thảo, sửa chữa, điều nghiên nhiều lần, đầu năm 2010, JICA quyết định rót vốn tài trợ dự án đến năm 2013. Dự án nhằm cải thiện đời sống của người dân bằng việc lựa chọn sinh kế thân thiện với môi trường và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Ông Lê Văn Hương cho biết: “Chúng tôi mời giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM về mở các lớp học trên đồng ruộng, hướng dẫn bà con canh tác cây cà phê khoa học và hiệu quả từ ươm giống, làm cỏ, bón phân đến chế biến, tiêu thụ. Nhờ đó sản lượng và chất lượng tăng cao.
Dự án cũng đã mở 8 lớp đào tạo hơn 200 người dân nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, tiếng Anh, kỹ năng sơ cấp cứu khi đi rừng, đón tiếp và phục vụ du khách ăn nghỉ tại nhà… Diễn giải viên (hướng dẫn viên người địa phương) được hưởng 95% giá tour, 5% còn lại góp vào quỹ cộng đồng.
Ngoài ra, vườn còn trả 13 tỷ đồng chi phí dịch vụ môi trường rừng cho 1.148 hộ dân. Chính người dân là trung tâm, là đối tượng thụ hưởng, cán bộ vườn chỉ tư vấn, hướng dẫn. Nhờ thế, từ khi triển khai dự án, chúng tôi đã giảm được 15% số vụ xâm phạm rừng”.
Đỗ Quang Tuấn Hoàng