Chống tham nhũng từ nội lực

Hội thảo khoa học cấp quốc gia bàn về giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được tổ chức tại TPHCM vào ngày 17-5 ngay sau khi Hội nghị TƯ 5 vừa kết thúc. Hai sự kiện này có nhiều nội dung liên quan mật thiết với nhau: công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ của Nghị quyết TƯ 4 luôn gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng - một trong 4 vấn đề phức tạp và nhạy cảm mà Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đặt ra.

Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) coi “kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” là vấn đề thứ nhất, là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Hội nghị TƯ 5 (khóa XI) khẳng định tiếp tục kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI).

Với tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, Trung ương đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng đến nay vẫn chưa đạt được yêu cầu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”.

Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Do vậy, việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí đi đôi với kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, một lần nữa, Hội nghị TƯ 5 khẳng định tầm quan trọng của công tác cán bộ và khâu tổ chức thực hiện, như lập Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm trưởng ban; tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng; không thành lập ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng; thiết lập lại Ban Nội chính TƯ và ban nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy…

Cơ chế này không chỉ phù hợp với thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện mà còn bảo đảm, tính khách quan và độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sự quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng bằng những hành động cụ thể, thiết thực về bộ máy tổ chức và công tác cán bộ đã góp phần củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng”.

Vấn đề đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để làm sao cán bộ “không muốn tham nhũng, không cần tham những, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng”; bố trí những cán bộ trong sạch, không có dư luận vào bộ máy phòng chống tham nhũng; làm rõ mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng với các cơ quan chức năng của Nhà nước; phát huy cao độ vai trò giám sát của nhân dân…

Nhưng trong tình hình hiện nay, vấn đề phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng để răn đe, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí mới được nhiều người dân quan tâm khi thực hiện Nghị quyết TƯ 4 và TƯ 5. Nhân dân mong muốn, để không xảy ra tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới” hay xử lý nửa vời, cần thực hiện nghiêm túc kết luận xử lý gắn với củng cố nội bộ cần công khai trong tự phê bình và phê bình theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”; công khai kết quả tự phê bình, kiểm điểm đảng viên; gắn công tác phòng chống tham nhũng với thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Vấn đề quan trọng là các cấp ủy Đảng cần xác định công tác phòng chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm để kiểm điểm, đánh giá cán bộ, hay lựa chọn người vào cấp ủy; đề cao tính tự phát hiện tham nhũng; có hình thức xử lý phù hợp các cấp ủy không tự phát hiện; xử lý nghiêm các cấp ủy và các cơ quan cố tình dung túng, bao che…

Như vậy, nhân tố quyết định ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí chủ yếu từ sức mạnh nội lực trong công tác xây dựng Đảng, trước hết là công tác tổ chức, cán bộ.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục