Chống thất thu và giúp doanh nghiệp vượt khó

Chống thất thu và giúp doanh nghiệp vượt khó

Chống thất thu thuế là giải pháp nâng cao nguồn thu cho ngân sách, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp. Thế nhưng, trước điều kiện kinh tế khó khăn, yêu cầu giảm, giãn thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Luật Quản lý thuế phải sửa đổi như thế nào cho hợp lý là vấn đề được đặt ra...

Lợi dụng để chậm đóng thuế

Chống thất thu thuế, đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu (XNK) là việc hết sức gian nan, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn việc thu thuế càng khó hơn. Trước thực trạng các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu (SXXK) có số nợ thuế ở mức báo động, buộc Luật Quản lý thuế bổ sung, sửa đổi phải có quy định mới nhằm hạn chế việc này.

Theo quy định hiện nay, điều kiện để được ân hạn thuế là phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng và là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan và không nợ thuế. Tuy nhiên, quy định này đang bị không ít doanh nghiệp lợi dụng, cố tình chây lỳ nghĩa vụ thuế.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý 3-2012, cả nước còn 5.784 lô hàng nhập khẩu nguyên liệu SXXK và 961 hợp đồng gia công xuất khẩu chưa thanh khoản, tương ứng với số nợ thuế quá hạn khoảng 1.497 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn (quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế) khoảng 1.100 tỷ đồng; số nợ của doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh đã và đang bị điều tra khởi tố mà không có khả năng thu hồi là 500 tỷ đồng. Tỷ lệ doanh nghiệp nợ thuế bỏ trốn hiện nay khá lớn, chiếm khoảng 20% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực SXXK.

Chống thất thu và giúp doanh nghiệp vượt khó ảnh 1

Người dân làm tờ khai thuế nhà đất tại Chi cục Thuế quận 3. Ảnh: DIỄM THY

Thực tế có trường hợp doanh nghiệp nợ thuế kéo dài từ năm 2006 đến nay, cơ quan nhà nước vẫn chưa thể thu hồi nợ đọng và giải quyết dứt điểm, thậm chí có nhiều doanh nghiệp đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu đòi nợ thuế mất rất nhiều thời gian, nhân lực và tốn kém... Riêng đối với trường hợp doanh nghiệp đã giải thể, bỏ trốn có ra quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan cũng không còn ý nghĩa vì doanh nghiệp đã không còn hoạt động, ngân sách nhà nước bị thất thu một khoản lớn.

Ân hạn thuế: Cần quy định hợp lý

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi phân loại rõ, doanh nghiệp SXXK được ân hạn thuế 9 tháng mà không có bảo lãnh thì phải đáp ứng đủ điều kiện: phải có cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu, có quá trình 2 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan trở về trước không có hành vi vi phạm pháp luật, không có nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt; chấp hành tốt chế độ báo cáo tài chính. Đồng thời, doanh nghiệp đó phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp còn lại (không chấp hành tốt pháp luật, không đáp ứng đủ các tiêu chí trên) thì phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh toàn bộ số tiền thuế phải nộp hoặc phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.

Như vậy, vấn đề quan tâm là phí bảo lãnh bao nhiêu để không gây khó khăn cho doanh nghiệp, nếu không, chi phí bảo lãnh lớn, thủ tục bảo lãnh phức tạp, ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng của doanh nghiệp. Theo số liệu tổng hợp từ các ngân hàng cho thấy, mức phí bảo lãnh hiện hành thống nhất ở mức 0,05%/tháng (mức thấp nhất nếu có ký quỹ bằng tiền mặt hoặc có chứng chỉ tiền gửi) và 0,29%/tháng (mức cao nhất nếu không có tài sản thế chấp).

Với mức phí bảo lãnh này, căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ ảnh hưởng tính trên kim ngạch chung, theo tính toán của Bộ Tài chính, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so trị giá hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Với những quy định cụ thể này, hy vọng Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa hỗ trợ vừa mang lại công bằng cho các doanh nghiệp và chống được thất thu thuế.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục