Chống tiêu cực trong lực lượng phòng chống buôn lậu

Hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp
Chống tiêu cực trong lực lượng phòng chống buôn lậu

Ngày 7-1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới, góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có 117.714 vụ buôn lậu, chiếm 14,2% tổng số vụ vi phạm bị bắt giữ, xử lý. Đáng lưu ý, bên cạnh một số loại hàng hóa nhập lậu ở tất cả các tuyến biên giới như đồ điện lạnh, rượu, thuốc lá..., trên tuyến biên giới Trung Quốc nổi lên các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là đặc thù của hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới với Trung Quốc. Tuy các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực, nhưng hoạt động buôn lậu vẫn đang diễn biến rất phức tạp, chủng loại hàng hóa nhập lậu rất đa dạng; nhiều loại là hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, thiếu kinh phí, trang thiết bị làm việc... “Một trong những giải pháp quan trọng tới đây là hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại từ nay đến năm 2020. Nhiều quyết định, thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể hoạt động đấu tranh với buôn lậu cũng đang được hoàn thiện” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Một kiến nghị quan trọng được người đứng đầu ngành công thương gửi đến Quốc hội: từ ngày 1-7-2013, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, các lực lượng chức năng chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn về kinh phí; bởi không thể sử dụng khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính để hỗ trợ cho các lực lượng chống buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; kể cả những chi phí rất hợp lý, hợp lệ như chi phí mua tin, chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng động vật hoang dã; chi phí giao nhận, bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa; kiểm định, định giá tài sản tạm giữ... Do vậy, để đảm bảo hiệu quả của công tác này, đề nghị cho phép các lực lượng chức năng được tiếp tục trích một phần kinh phí từ nguồn thu phạt hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm cho những năm tiếp theo.

Quản lý thị trường vẫn là khâu yếu

Dù khẳng định “khi tình hình đang nóng thì chúng ta cần những cái đầu lạnh mới giải quyết được vấn đề”, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, cùng nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khác tham dự phiên giải trình, cho rằng báo cáo của ngành công thương còn khá chung chung, chưa nêu bật và phân tích được nhiều nguyên nhân cốt lõi của tình trạng buôn lậu. “Ở trên đất nước chúng ta đâu cũng mua được hàng lậu, hàng trốn thuế… Có đến 85% thuốc lá tiêu thụ ở nước ta là hàng nhập lậu” - ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, nhận xét. Trong khi đó, quản lý thị trường vẫn là khâu yếu, chừng nào quản lý thị trường còn như hiện nay thì còn đất sống cho buôn lậu. “Báo cáo của bộ trưởng không nói rõ có tiêu cực trong lực lượng quản lý thị trường hay không, mức độ và giải pháp thế nào” - ông Nguyễn Sỹ Cương chất vấn thẳng.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, TS Trần Du Lịch, cũng cho rằng, hệ quả nghiêm trọng của hàng lậu, hàng giả chưa được đánh giá đúng mức trong báo cáo của vị tư lệnh ngành công thương. “Tôi cho rằng buôn lậu đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam, làm mất niềm tin của các doanh nghiệp làm ăn ngay thẳng. Phải chăng tiêu cực nội bộ là nguyên nhân gốc của vấn đề chứ không phải là cơ chế? Để giải quyết căn cơ vấn nạn này, cần phải xử lý đầu nậu, chứ không phải rượt đuổi người được thuê mang hàng qua biên giới. Vấn đề ở chỗ chúng ta không đánh giá đúng tầm mức quan trọng của việc này, nên mới nói không truy ra được chủ hàng thật sự. Nếu không phải là mang hàng hóa thông thường qua biên giới mà mang vũ khí thì tôi đảm bảo chỉ sau 24 giờ sẽ bắt được chủ mưu ngay” - TS Trần Du Lịch phân tích.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận buôn lậu “ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế”. Còn tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu “dĩ nhiên là không thể không có, trong đó có cả lực lượng quản lý thị trường, tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực theo tình hình chúng tôi nắm được thì chỉ là số ít”. Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của ĐB Trần Du Lịch về việc xử lý đầu nậu và đường dây buôn lậu có tổ chức và công nhận là báo cáo chưa nêu đầy đủ vấn đề này.

Không chỉ tiêu cực mà hiệu quả của lực lượng chống buôn lậu tiếp tục được các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, với hơn 5.000 cán bộ quản lý thị trường một năm chi lương khoảng 200 tỷ đồng, 3 năm 600 tỷ đồng, trong khi số tiền lực lượng quản lý thị trường xử phạt thu về cho ngân sách trong cùng thời gian là 1.395 tỷ đồng. Về gợi ý tính toán cụ thể mức đầu tư cho lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đã làm đề án trình và Chính phủ đang xem xét, “sẽ rà soát và báo cáo cụ thể với Quốc hội trong thời gian sớm nhất”.

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc phòng chống buôn lậu qua biên giới là hết sức phức tạp. Sau phiên giải trình, Bộ Công thương cần phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp tục đề xuất các giải pháp toàn diện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: “Cần thực thi nghiêm việc phòng chống tiêu cực ngay trong các lực lượng phòng chống buôn lậu”.

ANH THƯ


Thu giữ hơn 22.000 bao thuốc lá lậu

Lúc 23 giờ ngày 6-1, tại vùng biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng trinh sát Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát hiện 1 xuồng cao tốc (4 máy) chở nhiều thùng các tông có biểu hiện nghi vấn. Lực lượng cảnh sát biển đã truy đuổi khiến các đối tượng vừa chạy vừa ném các thùng các tông xuống biển gây cản trở cho lực lượng chức năng. Trong quá trình truy đuổi, các đối tượng 3 lần manh động lao thẳng xuồng vào lực lượng cảnh sát biển. Lợi dụng đêm tối, thời tiết sương mù dày đặc, các đối tượng đã tăng tốc bỏ trốn.

Hiện tại, lực lượng trinh sát cảnh sát biển thu giữ được 45 thùng các tông trôi dạt trên biển, chứa khoảng 22.500 bao thuốc lá hiệu Esse trắng (ảnh), xuất xứ Hàn Quốc.

ANH MINH

Tin cùng chuyên mục