Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị TPHCM xử lý ùn tắc giao thông phải kiên quyết làm được ba việc. Thứ nhất, không cho thuê lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, đỗ xe. Thứ hai là phải có lộ trình để hạn chế xe máy lưu thông, trước hết hạn chế hoặc cấm ở một số tuyến đường, sau đó đi đến cấm trên các đường thấy phù hợp... Thứ ba, phải áp dụng hình phạt cao nhất đối với người tham gia đua xe trái phép.
Chọn giải pháp nào?
Tình trạng ùn tắc giao thông ở TPHCM vẫn xảy ra trên nhiều tuyến đường do hệ thống hạ tầng giao thông quá tải so với số lượng phương tiện và mật độ lưu thông thực tế. Để khắc phục tình trạng trên, trong những năm qua, TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp về chống ùn tắc giao thông. UBND TPHCM cũng đã nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, quản lý và phát triển mảng xanh đô thị, xây dựng và khai thác tại Singapore. Ngoài ra, các nhà khoa học, chuyên gia về giao thông đưa ra hàng loạt góp ý cũng như các giải pháp.
Các chuyên gia về giao thông cho rằng, TPHCM cần nhanh chóng hoàn thành sớm quy hoạch công trình ngầm, nhất là Trung tâm Quản lý xây dựng công trình ngầm phải phát huy vai trò của mình. UBND TPHCM giao Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thành lập các công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật đầy đủ năng lực để thực hiện việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung. Thành phố phê duyệt quy hoạch và thiết kế nhanh đô thị trung tâm. Xây dựng đề án quy hoạch, bồi thường khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị…
Về phát triển và quản lý giao thông đô thị, khi tiến hành đầu tư xây dựng đường phố mới, cải tạo mở rộng các đường phố cũ phải kết hợp xây dựng hào kỹ thuật, đường ống ngầm. Sớm thành lập trung tâm điều khiển giao thông hiện đại trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, camera quan sát và biển báo điện tử…
Đối với vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân cần tập trung tối đa các nguồn vốn với một kế hoạch dài hạn, đặc biệt nguồn vốn ODA, xây dựng nhanh các tuyến đường sắt đô thị, phát triển hệ thống xe buýt nhanh dọc theo tuyến đường sắt đô thị. Bố trí hệ thống thu phí giao thông của thành phố trên một số tuyến đường thường xảy ra ùn tắc.
Thay thế cán bộ quản lý yếu kém
Để áp dụng những cách làm của Singapore vào thực tế tại TPHCM là việc không dễ dàng. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia về giao thông. TS Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, TPHCM cần đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến metro và phương tiện giao thông, sau đó mới dùng biện pháp chế tài để hạn chế xe cá nhân. Cấm ô tô, xe máy vào một số tuyến đường trong những giờ cao điểm, nếu ai có nhu cầu thì phải đóng tiền.
Ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xây dựng TPHCM nhấn mạnh, cần thay thế những người làm việc yếu kém liên quan đến lĩnh vực này, dứt khoát phải đổi mới bộ máy chứ không thể làm như hiện nay.
Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TPHCM, tình hình giao thông đang có chiều hướng xấu hơn nếu không có cách làm đột phá. Tác nhân chính là cách làm của các ngành chức năng. Chúng ta cần kiểm soát chặt về dân số. TPHCM cần giữ lại nguồn vốn ngân sách để đầu tư vào hạ tầng giao thông. “Hiện nay về quy hoạch, TPHCM còn giẫm chân rất nhiều. Việc kết nối giao thông còn đang bỏ ngỏ, nhất là các tuyến metro và xe buýt. Các quận ven cần chú trọng hơn chứ không thể thả nổi như hiện nay, mạnh nơi nào nơi đó làm”- ông Trường nhấn mạnh.
Việc đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng cần phải đi đôi với việc chỉnh trang và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Ở đây đòi hỏi mỗi người dân chịu hy sinh một chút tự do riêng, một chút tiện lợi trước mắt để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, của chính mình và cho tương lai con cháu mai sau. Trước ngổn ngang khó khăn chung, để giải bài toán phát triển giao thông công cộng đòi hỏi chúng ta phải chung sức chung lòng tìm ra các giải pháp khả thi chứ không nên bác bỏ. Khó khăn không thể tránh khỏi hiện nay vẫn là tình trạng thiếu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông công cộng.
* Kết quả khảo sát của các ngành liên quan trong thời gian qua đã xác định được 16 điểm đen và gần 20 tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Đáng chú ý, một số điểm đen được xác định nằm ở các tuyến đường trung tâm thành phố như: Tôn Đức Thắng, đoạn từ đường Ngô Văn Năm đến Công trường Mê Linh; Nguyễn Văn Cừ, đoạn từ An Dương Vương đến vòng xoay Cộng Hòa đều thuộc quận 1; đường Nguyễn Tất Thành, đoạn từ số nhà 300A đến số nhà 322A, quận 4. Các tuyến đường thường xuyên xảy ra tại nạn chủ yếu có tuyến quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội thuộc quận 9, Thủ Đức; Võ Văn Kiệt, quận 5; đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương, quận Bình Tân; đường Hòa Bình, quận Tân Phú; tỉnh lộ 10, quốc lộ 50 thuộc huyện Bình Chánh… |
Quốc Hùng - Lương Thiện