Chốt bảo vệ dân phố - có như không

Không hiệu quả, phản tác dụng
Chốt bảo vệ dân phố - có như không

Phần lớn trong số hàng trăm chốt dân phòng, trụ sở bảo vệ dân phố ở TPHCM hiện có cũng như không, thậm chí phản tác dụng, không chỉ gây lãng phí ngân sách nhà nước mà còn làm giảm khả năng phòng chống tội phạm ở cơ sở. Vì sao?

Nhiều tháng qua, chốt dân phòng ở góc đường Tên Lửa và Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) luôn trong tình trạng khóa cửa

Không hiệu quả, phản tác dụng

Sáng 26-5, khi chạy xe từ quận 6 về quận Bình Tân, đến nút giao đường số 7 và đường số 5 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), chị Nguyễn Hồng Thanh (34 tuổi, quê Phú Yên, tạm trú trên quốc lộ 1A, phường Tân Tạo) dừng xe nghe điện thoại của người thân gọi. Để an toàn, chị Thanh dừng xe sát vào lề trước khi nói chuyện, thế nhưng khi chị vừa đưa điện thoại lên nghe thì bất ngờ hai thanh niên (khoảng 25 tuổi) chạy xe Dream từ phía sau trờ tới giật phăng chiếc điện thoại, chị Thanh bị kéo ngã lăn xuống đường, trầy xước ở mặt. Như chốn không người, kẻ cướp sau khi giật được tài sản còn ngoái đầu lại cười trước khi tăng ga bỏ chạy khiến những người chứng kiến vô cùng bức xúc.

Ông Phan Hồng Lĩnh, nhà trên đường số 7, cho biết chị Thanh không phải là nạn nhân đầu tiên. Trước đó ở khu vực này từng xảy ra nhiều vụ cướp táo tợn, cứ vài ngày là xảy ra cướp giật dây chuyền, túi xách, điện thoại. Trước tình hình trên, đầu năm 2016, UBND và Công an phường Bình Trị Đông B cho lắp đặt chốt dân phòng ở ngay ngã tư và bố trí 1 công an, 2 bảo vệ dân phố chốt trực cả ngày đêm. Cướp giật ở đây sau đó giảm hẳn, gần như không còn. Thế nhưng, được 1 tháng, công an “biến mất”, chỉ còn 2 bảo vệ dân phố. Đến tháng sau nữa, còn 1 bảo vệ dân phố và giờ thì chỉ còn mỗi cái chốt hoang, trở thành nơi để hàng tạm cho những người bán hàng bán quần áo dạo mỗi khi trời mưa. Ông Lĩnh bức xúc: “Kinh phí lắp chốt dân phòng, lương trả cho công an, bảo vệ dân phố, tất cả đều lấy từ ngân sách nhà nước - thuế do người dân đóng góp - nhưng chính quyền và người thi hành công vụ lại thích thì làm, không thích thì thôi, hậu quả người dân gánh chịu, trách nhiệm ở đâu?”.

Không chỉ tồn tại ở phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), tại TPHCM hiện có hàng trăm chốt dân phòng, chốt bảo vệ dân phố và phần lớn trong tình trạng tương tự. Điển hình như các chốt dân phòng khu phố 4 (phường 3, quận 5), chốt dân phòng ở ngã tư Nhật Tảo - Lý Thường Kiệt (quận 10), chốt dân phòng ở góc đường Tên Lửa - Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), chốt bảo vệ dân phố gần Công viên Tầm Vu (quận Bình Thạnh)… thường xuyên không có người trực. Không chỉ gây lãng phí ngân sách nhà nước, giảm khả năng phòng chống tội phạm ở cơ sở, một số chốt dân phòng bỏ hoang còn phản tác dụng. Chốt dân phòng trên đường Vành Đai (quận 6) bị bỏ hoang nhiều năm qua, gần đây chốt này thành nơi đổ rác của người dân, gây ô nhiễm môi trường, đêm đến còn trở thành nơi trú ẩn hút chích của những con nghiện.

Do thiếu nhân sự, đầu tư chốt sơ sài?

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và bảo vệ dân phố của một quận ở TPHCM (xin giấu tên) cho rằng sở dĩ có nhiều chốt dân phòng (tên gọi trước đây, nay là chốt bảo vệ dân phố) ở thành phố bị “bỏ hoang” là do nhân sự của lực lượng này hiện có quá ít. Theo quy định, ngoài cảnh sát khu vực, ở mỗi khu phố phải có ít nhất 2 bảo vệ dân phố để làm công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chung. Trên thực tế, nhiều khu phố chưa có bảo vệ dân phố vì không tuyển được người do phụ cấp của nhà nước quá ít (1,5 triệu đồng/bảo vệ dân phố/tháng). “Khi không đủ người, bảo vệ dân phố của khu phố này phải quản lý kiêm luôn khu phố chưa có người. Đã vậy, bảo vệ dân phố được UBND và công an phường giao rất nhiều việc: giữ trật tự đô thị, tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, phòng và trực tiếp chữa cháy tại chỗ… Do đó, bảo vệ dân phố không thể nào ngồi trực liên tục ở chốt được. Đã có nhiều vụ cướp giật, trộm cắp xảy ra ngay chốt bảo vệ dân phố đúng thời điểm không có người trực, không ngăn chặn được, làm người dân bức xúc. Chúng tôi rất đắn đo việc này nhưng đành chấp nhận vì chưa có phương án nào tốt hơn”, vị đội trưởng cho biết. Người này cũng cho rằng tồn tại trên chỉ được khắc phục khi UBND các phường tuyển được nhiều bảo vệ dân phố, muốn tuyển được nhiều bảo vệ dân phố nhà nước phải chế độ phụ cấp xứng đáng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tâm, hành nghề xe ôm ở chợ Phạm Thế Hiển (quận 8) - người từng 8 năm làm dân phòng và Trưởng ban Bảo vệ dân phố ở quận 5, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chốt bảo vệ dân phố không người trực, trong đó có 2 nguyên nhân chính. “Đầu tiên là do việc đầu tư, lắp đặt các chốt bảo vệ dân phố quá sơ sài. Có chốt 4 bên tường và mái đều dựng và lợp bằng tôn, trời nắng nóng, anh em rất ngại ngồi ở đó để trực. Thứ hai là do đa số bảo vệ dân phố hiện nay là người lớn tuổi, sức khỏe yếu, họ chỉ trực và can thiệp các vụ cướp giật khi có công an, dân quân trực cùng. Nếu trực một mình gặp cướp, mình ra tay thì khó an toàn, còn không ra tay thì bị người dân lên tiếng, phản ánh. Chính vì vậy mà ở các chốt bảo vệ dân phố thường không có người trực. Ở một số chốt, ban bảo vệ dân phố khắc phục tạm bằng cách ghi số điện thoại công an phường lên chốt để người dân khi gặp bọn cướp sẽ điện báo công an can thiệp”, ông Tâm nói.

PHẠM MINH

Tin cùng chuyên mục