Chủ động bảo vệ quyền lợi người lao động

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn, 9 tháng đầu năm 2016, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là trên 13.000 tỷ đồng, chiếm 6% số phải thu, trong đó nợ BHXH bắt buộc là gần 9.000 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm 2015 (dư nợ trên 6,3%) thì tỷ lệ đã giảm một chút. Nhưng tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn xảy ra hầu hết các địa phương trong cả nước. Đáng lưu ý trong số gần 3.400 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng thì không chỉ là nợ của các đơn vị khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn bao gồm nợ của các đơn vị khu vực doanh nghiệp nhà nước, tập trung ở ngành giao thông, xây dựng và các tập đoàn đang thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh dù có lãi nhưng vẫn cố tình nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động (trừ tiền lương) nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác, không nộp vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Như vậy có thể thấy, dù ngành bảo hiểm và các cơ quan chức năng đã hỗ trợ quyết liệt trong việc thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm quyền lợi người lao động tham gia bảo hiểm nhưng tình hình nợ đọng BHXH vẫn chưa được ngăn chặn. Đặc biệt, vừa qua, không chỉ cơ quan BHXH mà cả MTTQ, Bộ LĐTB-XH, công đoàn, Thanh tra Chính phủ cũng đã cùng vào cuộc để giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật về BHXH tại các địa phương, đốc thúc việc nộp BHXH của doanh nghiệp nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH được cho là một trong giải pháp để giảm thiểu tình trạng vi phạm này. Nhưng từ năm 2016, nhiệm vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo BHXH ra tòa được trao cho công đoàn và quy định này đang dẫn tới sự bế tắc trong việc buộc doanh nghiệp nợ BHXH thực hiện trách nhiệm của mình. Theo quy định hiện hành, người lao động ủy quyền cho công đoàn tham gia khởi kiện là quy định bắt buộc. Thế nhưng từ ngày có quy định này, việc khởi kiện đang đứng yên.

Theo ông Phạm Lương Sơn, với Luật BHXH được Quốc hội thông qua năm 2014, cơ quan BHXH tăng chức năng thanh tra thu BHXH nhưng giảm chức năng khởi kiện ra tòa án. Từ 1-7-2016, BHXH không thực hiện khởi kiện nữa. Ngày 20-9 vừa qua, BHXH Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam và triển khai nhiệm vụ này tới LĐLĐ các tỉnh thành phố, chuyển giao việc khởi kiện cho các LĐLĐ các địa phương. BHXH đã chủ động thống kê toàn bộ hồ sơ về nợ, số liệu, các thủ tục BHXH và chuyển sang Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trong khi đó, hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng mới chỉ ký kết chương trình phối hợp với TAND tối cao tổ chức tập huấn cho các cấp công đoàn về việc công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Mọi việc chỉ mới dừng ở “tích cực chuẩn bị các điều kiện để thí điểm tiến hành khởi kiện một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH ở một số địa phương”.

Lý giải về việc khởi kiện doanh nghiệp chây ỳ BHXH vẫn bế tắc, trao đổi với SGGP bên lề hành lang Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, do sự chuẩn bị, phối hợp giữa BHXH Việt Nam và công đoàn vẫn chưa ăn khớp. Giai đoạn từ 1-7-2016 đến nay, tòa án trả hết hồ sơ khởi kiện cho BHXH. Ông Lợi cho rằng, lúc này, công đoàn phải chủ động đứng ra để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nhưng để việc khởi kiện không bế tắc, thì tất cả các đơn đã gửi trước 1-7-2016 thì tòa án phải xử lý cho BHXH, còn từ thời điểm 1-7-2016 thì công đoàn đứng ra khởi kiện.

Nợ đọng BHXH là vấn đề hết sức bức xúc đối với người lao động, vì liên quan đến vấn đề giải quyết chính sách cho người lao động khi không may họ bị tai nạn lao động, thai sản, bệnh nghề nghiệp hoặc khi nghỉ hưu. Khi người lao động rơi vào các trường hợp này mà cơ quan chưa đóng BHXH thì lập tức ảnh hưởng đến chế độ của người lao động. Vì vậy, công đoàn phải thực sự chủ động đứng ra khởi kiện doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Muốn vậy cần sớm chuẩn bị đầy đủ điều kiện, có sự trao đổi với chính quyền địa phương, thậm chí Liên đoàn Luật sư cùng tham gia phối hợp thực hiện. Mặt khác, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh vận động doanh nghiệp ý thức trách nhiệm của mình trong việc thực hiện pháp luật về lao động. Tới đây, chế tài đối với hành vi trốn đóng BHXH đã nặng hơn, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi sai phạm nghiêm trọng.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục