Theo Bộ NN-PTNT, năm nào cũng xảy ra cảnh cháy rừng. Trung bình hàng năm ở nước ta có hàng trăm vụ cháy rừng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trong đó có những vụ cháy rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái như vụ cháy rừng ở Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) mới đây.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), bình quân mỗi năm chúng ta mất gần 32.000ha rừng, nhưng trong đó chỉ có khoảng 7% là do chặt phá trái phép, còn lại 92% là do cháy rừng, năng lực quản lý còn yếu kém... Hầu như các cánh rừng ở nước ta đều thuộc vào loại dễ cháy và nguy cơ cháy rừng cao từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Một khi đã để cháy rừng xảy ra thì ít nhất phải vài chục năm sau mới có thể tái tạo được.
Nguyên nhân các vụ cháy rừng thường được đổ cho thời tiết, nhiệt độ tăng cao, hanh khô, trời ít có mưa. Thế nhưng ông Hà Công Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, khẳng định có tới 70% nguyên nhân là do sự bất cẩn của con người. Nhiều khi chỉ vì một điểm đốt nương làm rẫy, người dân đốt củi sưởi lửa hoặc bắt tổ ong trong rừng... cũng vô tình thiêu rụi cả chục hécta rừng.
Thực tế, việc quản lý rừng, phòng chống cháy rừng ở nước ta gặp ngay khó khăn từ việc phân bố dân cư. Ở các nước, cả chục ngàn hécta rừng trải bạt ngàn mà không có dân cư sống đan xen, nhưng ở nước ta có khi có cả một xã sinh sống trong VQG nên nguy cơ gây cháy rừng là cực kỳ cao. Trong khi đó, khi để xảy ra cháy rừng thì việc dập lửa lại thật nan giải vì chúng ta thiếu lực lượng, không chủ động được nguồn nước, thiếu trang thiết bị dập lửa, địa hình quá khó khăn, phức tạp...
Chẳng hạn như vụ cháy rừng ở VQG Hoàng Liên Sơn, với độ cao 1.700 - 2.200m, đồi dốc cheo leo, nhiều loại bụi rậm dễ cháy thì muốn đưa các thiết bị chữa cháy như xe cứu hỏa, máy thổi gió, cưa xăng, công cụ xử lý thực bì, máy bơm... lên điểm cháy cũng đành chịu. Mà có đưa được thiết bị lên thì cũng không có nguồn nước. Vì thế, kỹ thuật chữa cháy duy nhất hiện nay ở không chỉ rừng Hoàng Liên Sơn mà còn nhiều VQG, khu bảo tồn khác vẫn là huy động hàng trăm, hàng ngàn người dùng lá cây đập lửa, cắt bỏ các lớp thực bì, xây dựng đường băng cản lửa, thậm chí phải chấp nhận đốn chặt vài vạt đồi để ngăn cản lửa lan rộng.
Thậm chí như vụ cháy VQG Hoàng Liên Sơn mới đây, chính quyền phải huy động khoảng 3.000 người dân, cán bộ kiểm lâm, công an, bộ đội, thậm chí có cả giáo viên cắm bản lưng đeo cơm nắm, vai vác can nước lên dập mồi lửa ở từng gốc cây cháy dở. Đó là phương thức chữa cháy thủ công.
Còn ở các nước, khi có cháy rừng, họ dùng trực thăng chuyên dụng chở nước hoặc bọt dung dịch dập lửa xả xuống điểm cháy. Ông Hà Công Tuấn cho rằng, để trang bị được máy bay chữa cháy rừng như các nước tiên tiến là rất khó, vì mỗi chiếc đắt tới 22 - 30 triệu USD. Do vậy, cách hiệu quả nhất đối với nước ta thời điểm hiện nay vẫn là sử dụng phương án chữa cháy tại chỗ. Trong đó, bên cạnh huy động sức người, chủ động phát hiện sớm các điểm cháy để được cứu chữa kịp thời thì cần khẩn trương nhân rộng mô hình xây dựng đường băng cản lửa, đầu tư xây dựng các hồ đập, bể chứa nước để dập lửa. Bên cạnh tăng cường năng lực cho các tổ chức tham gia phòng cháy chữa cháy rừng thì cần tập huấn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy rừng cho cả người dân. Giải pháp quan trọng vẫn là nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống cháy rừng.
Về lâu dài, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho việc phòng cháy và chữa cháy rừng như đường giao thông, bể chứa nước, hồ đập, chòi canh lửa, hệ thống thông tin liên lạc, các trạm đo mưa, khí tượng để chủ động dự báo cháy rừng, đảm bảo thuận lợi trong việc thông tin liên lạc. Trước mắt nên ưu tiên cho các VQG và khu bảo tồn trong cả nước.
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án phát triển và bảo vệ rừng giai đoạn 2011 - 2020. Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 07/2012/QĐ-TTg về những chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động chống chặt phá rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Từ nay tới năm 2015, mỗi năm trung bình cứ 1.000ha rừng sẽ có một kiểm lâm, tới năm 2015 sẽ có 3.000 kiểm lâm viên được bổ sung vào biên chế.
Văn Nguyễn