Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Chủ động để hội nhập sâu với thế giới

Chủ động để hội nhập sâu với thế giới

Ngành dệt may đang nỗ lực thu hút đầu tư để đạt mục tiêu 1 tỷ mét vải xuất khẩu. Kế hoạch phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm nay có khả năng không thực hiện được bởi nhiều khó khăn đang xuất hiện. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp dệt may đang tự hoàn chỉnh để đạt hiệu quả lợi nhuận cao nhất, tỷ suất lợi nhuận tốt nhất, là một điều đáng mừng.

Nhiều doanh nghiệp đang vượt lên...

Chủ động để hội nhập sâu với thế giới ảnh 1

May Việt Tiến, đơn vị đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn. Ảnh: Phân xưởng may áo sơ mi của May Việt Tiến. Ảnh: Y.Thy

Mấy năm trước, Dệt Việt Thắng vốn là một đơn vị dệt may lớn hàng đầu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với quy mô lớn, sản xuất khép kín từ sợi, dệt nhuộm và hoàn tất, nhưng công nghệ chưa hiện đại, quản lý chưa chặt chẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Sau khi tổ chức chia tách ra thành từng doanh nghiệp nhỏ theo công đoạn sản xuất phù hợp với trình độ quản lý, tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp, đến nay Việt Thắng đã vượt qua khó khăn và bắt đầu có lãi. Đây cũng là doanh nghiệp được ghi nhận có nhiều nỗ lực, hoạt động hiệu quả trong 6 tháng đầu năm tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của Tập đoàn Vinatex.

Ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex cho biết, lợi nhuận của tập đoàn trong 6 tháng đạt 222,5 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đã đạt được 50%, thậm chí là hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận của năm như Dệt May Hòa Thọ, May Hưng Yên, May Nhà Bè, Dệt kim Đông Xuân, Công ty Tài chính, Tổng Công ty Phong Phú và Việt Tiến, Sợi Phú Bài, Dệt kim Đông Phương, Dệt Việt Thắng... Tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân của tập đoàn ước đạt 8,06%, được đánh giá là rất tốt, với nhiều doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn mức tăng bình quân.

Năm 2007 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), bên cạnh những điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, các yếu tố như giá cả nguyên liệu đều biến động mạnh, giá xăng dầu, điện, cước vận chuyển… đều tăng, đã gây sức ép lớn đến tình hình phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, ngành dệt may, ngoài việc chịu tác động chung của nền kinh tế cũng có nhiều thuận lợi và khó khăn đặc thù riêng ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh.

Theo ông Vũ Đức Giang, Việt Nam gia nhập WTO, hàng dệt may không còn bị đối xử như trước, không còn các rào cản, thị trường xuất khẩu được mở rộng, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng lớn như May Việt Tiến, May Hà Nội, May Hòa Thọ… Các doanh nghiệp trong ngành đã tích cực thực hiện các hợp đồng xuất khẩu, nhất là các hợp đồng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của Vinatex. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu còn thấp so với yêu cầu, do ảnh hưởng của cơ chế giám sát hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhiều khách hàng đã rút đơn hàng khỏi Việt Nam. Vì vậy, lượng thực hiện các đơn hàng FOB (mua nguyên liệu bán thành phẩm) xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm mạnh, các doanh nghiệp phải chuyển hướng sang sản xuất gia công để phù hợp với các hợp đồng ngắn hạn làm doanh thu của một số doanh nghiệp đạt thấp hơn so với cùng kỳ.

Chủ động để hội nhập sâu

Xác định được những khó khăn, trong thời gian qua, Tập đoàn Vinatex đã có nhiều đổi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không chỉ chú trọng vào ngành dệt may, mà đã tích cực chuyển hướng theo hướng đa ngành nghề và đa sở hữu. Các hoạt động của Vinatex đã mở rộng sang các lĩnh vực đầu tư tài chính - ngân hàng, vận tải hàng hải, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, kinh doanh thiết bị… Ngoài ra, Vinatex còn thực hiện nhiều chương trình xúc tiến kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài tại Thái Lan, Nhật Bản, trong đó có 11 dự án kêu gọi đầu tư nhằm thực hiện thành công mục tiêu chương trình vải dệt thoi xuất khẩu và phục vụ xuất khẩu vào năm 2015.

Ông Giang cho biết, tình hình xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực, chịu cơ chế giám sát của Hoa Kỳ và sức ép của đơn phương khởi kiện chống phá giá, sức tiêu thụ tại thị trường EU sụt giảm… Ngoài ra, tại thị trường nội địa, phải đối phó với hàng hóa có giá thành rẻ, mẫu mã phong phú từ Trung Quốc nhập qua. Tuy nhiên, Vinatex đưa ra nhiều biện pháp, quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đặt ra cho thời gian tới.

Về sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Vinatex sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng cách áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật, huy động nhanh thiết bị mới đầu tư vào sản xuất, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng hàng hóa, tăng cường tiết kiệm chống lãng phí. Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may, nhưng không coi nhẹ thị trường nội địa, ngoài việc thực hiện các đơn hàng sẽ tăng cường giám sát và quản lý xuất khẩu, tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị cao, hạn chế các lô hàng đơn giản và nhất là không đưa ra một mức giá quá thấp tránh nguy cơ phải đối phó với những vụ kiện bán phá giá.

Ngoài ra, đối với thị trường và xúc tiến thương mại, Vinatex đẩy mạnh việc tăng cường sự hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong toàn tập đoàn vì mục tiêu phát triển kinh tế và hiệu quả trong sản xuất. Trong thời gian tới, Vinatex sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư, các đối tác trong nước và nước ngoài, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, hình ảnh của Vinatex trở thành một thương hiệu mạnh phấn đấu đến năm 2010 sẽ là một trong những cường quốc có thế lực mạnh trong xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới.

VĂN THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục