Đầu tháng 3-2017, sau khi bàn bạc thống nhất với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đã thông qua lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2017 đối với trứng gà, trứng vịt... là 50.051 tá, còn đối với muối là 102.000 tấn. Kể từ ngày 17-4-2017, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu các lô trứng gia cầm và muối từ nước ngoài vào Việt Nam căn cứ theo lượng hạn ngạch được “kiểm soát” này.
“Quota trứng gia cầm” không làm khó nông dân
Trước thông tin trên, dư luận và người chăn nuôi gia cầm cũng như diêm dân lo ngại, trong khi giá muối và giá trứng gia cầm ở trong nước đang xuống rất thấp thì việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu “nông sản ngoại” vào Việt Nam sẽ càng đẩy giá các mặt hàng này xuống thấp hơn. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) lý giải, đúng là giá trứng gia cầm sản xuất trong nước đang ở mức rất thấp (trứng công nghiệp hiện chỉ còn dưới 1.000 đồng/trứng) nhưng việc cấp quota (hạn ngạch thương mại) nhập khẩu trứng gia cầm không hề ảnh hưởng tới thị trường và giá cả trong nước. Bởi quota cho nhập khẩu trứng gia cầm được áp dụng từ nhiều năm nay nhưng không có doanh nghiệp nào nhập về cả.
“Trước đây thì có một số doanh nghiệp nhập về nhưng do giá trứng trong nước rẻ hơn nên không doanh nghiệp nào dám nhập nữa”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết. Lý do giá trứng gia cầm xuống mức thấp như hiện nay là do đầu năm lượng gia cầm vẫn còn nhiều, nguồn trứng gia cầm dồi dào. Từ khoảng tháng 6, 7, 8 trở đi nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm mới tăng mạnh để bước vào mùa làm bánh và sản xuất thực phẩm tết. Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, hiện trứng của Việt Nam còn phục vụ xuất khẩu. Chẳng hạn như doanh nghiệp Vĩnh Nghiệp ở Vĩnh Long mỗi năm xuất tới gần 30 triệu trứng vịt muối đi Singapore và một số nước khác. Các doanh nghiệp như DTK, Dabaco là những công ty lớn có thể cung cấp trứng gia cầm cho thị trường cả nước.
Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nay Việt Nam đang duy trì áp dụng quy định cấp quota nhập khẩu cho 4 mặt hàng gồm trứng gia cầm, muối, đường và lá thuốc lá. Đây là quy định bắt buộc khi Việt Nam thỏa thuận và cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Từ đó đến nay, các mặt hàng này vẫn được duy trì một lượng hạn ngạch nhất định và mỗi năm phải tăng thêm 5%.
Nhập muối do sản xuất nội địa còn yếu
Trước đây, việc cấp hạn ngạch cho doanh nghiệp chủ yếu áp dụng hình thức phân giao. Song, theo thông tin từ Cục Hóa chất (Bộ Công thương) và Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), lý do mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu muối của nước ngoài về sử dụng là vì trong sản xuất hóa chất công nghiệp và y tế cần có loại muối tinh chất lượng cao với độ mặn cao, sạch…; muối sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu này. Do vậy, các doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu muối ngoại về theo hạn ngạch mà còn phải nhập cả muối ngoài hạn ngạch (chỉ muối hạn ngạch mới được ưu đãi về thuế). Năm 2015, các doanh nghiệp đã phải nhập 312.986 tấn muối ngoài hạn ngạch để bán cho các cơ sở sản xuất hóa chất và y tế.
Số liệu của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, tính đến ngày 20-2-2017, cả nước đang có 9.634ha muối thủ công và 4.313ha muối công nghiệp hoạt động. Lượng muối thủ công đạt 2.580 tấn, còn muối công nghiệp đạt 11.129 tấn. Tổng lượng muối tồn trong các doanh nghiệp là 395.007 tấn. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất hóa chất, thuốc y tế vẫn phải trông đợi vào nguồn muối nhập ở nước ngoài. Ngoài lý do về chất lượng thì còn có nguyên nhân khác là giá thành muối Việt Nam cao hơn nhiều muối ngoại, trong khi nếu nhập muối ngoại, tính cả thuế và chi phí vận chuyển thì vẫn rẻ hơn muối nội. Như vậy, áp dụng hạn ngạch nhập khẩu là việc tất yếu phải làm.
Trứng vịt biển to, vỏ dày, lòng đỏ có vị ngon hơn so với nuôi nước ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng Ảnh: TRÀNG DƯƠNG
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chinh, điều quan trọng hiện nay là cơ chế quản lý, điều hành và giám sát việc nhập khẩu này sao cho đảm bảo tốt nhu cầu tiêu thụ và sản xuất, nhưng vẫn không ảnh hưởng tới các mặt hàng nông sản nội địa. Đối với mặt hàng đường nhập khẩu, điểm nổi bật nhất trong năm 2016 là Bộ Công thương đã thí điểm thực hiện hình thức đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu thay vì phân giao quota như các năm trước, nhằm tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng mập mờ, tạo kẽ hở để các doanh nghiệp trục lợi thông qua ưu đãi về thuế. Với mặt hàng trứng gia cầm và muối, trong năm 2017 vẫn áp dụng việc phân giao hạn ngạch cho doanh nghiệp và được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT của Bộ Công thương.
Bộ Công thương cũng yêu cầu, đối với mặt hàng muối, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế. Còn đối với mặt hàng trứng gia cầm, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được phân giao cho thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu. Quy định nêu rõ, thời điểm phân giao hạn ngạch nhập khẩu muối phải được thực hiện theo đề nghị của Bộ NN-PTNT để không ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ muối sản xuất trong nước. Như vậy, tùy vào tình hình sản xuất và tiêu thụ muối, giá muối trong nước cao hay thấp mà Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương sẽ cùng làm việc, bàn bạc về thời điểm cho phép doanh nghiệp được nhập muối vào Việt Nam để không gây khó khăn cho người sản xuất muối trong nước. Nếu vào thời điểm giá muối xuống thấp sẽ không cho nhập muối ngoại.
PHÚC HẬU