Với mức tăng khá mạnh (0,83%) so với tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 8 so với tháng 12-2013 tăng lên 3,53% và so với tháng 8-2012 đã tăng đến 7,5%. Diễn biến CPI tháng 8 cho thấy, mục tiêu điều hành CPI từ nay đến cuối năm sẽ gặp không ít thách thức trước những diễn biến khó lường do biến động giá cả hàng hóa.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát nhất quán vẫn là dưới 8% như Quốc hội đề ra nhưng đã và đang có sự linh hoạt hơn so trong cách điều hành của Chính phủ: với ban đầu khoảng 6% - 6,5% (theo Nghị quyết 01 của Chính phủ) và nay là tương đương năm 2012 (6,81%) như thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Điều đó cho thấy, giá cả trên thị trường đang chịu nhiều ảnh hưởng hơn những gì mà cơ quan quản lý tính toán. Đơn cử như Hà Nội, do điều chỉnh giá viện phí từ 1-8 đã khiến nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 63,94%, góp phần đẩy CPI Hà Nội tháng 8 tăng tới 3,16% (mức tăng này là rất mạnh, nhất là khi mặt bằng giá cả tại Hà Nội vốn đứng ở mức cao nhất cả nước).
Trong khi đó, cuối tháng 7, Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, CPI Hà Nội tháng 8 có thể tăng gấp đôi so với dự kiến: khoảng 0,6% - 0,7%. Tuy nhiên, nếu tháng 8, Hà Nội chưa áp dụng việc tăng viện phí thì CPI chỉ dao động quanh mức 0,3% - 0,4%. Rõ ràng, con số 3,16% của Hà Nội đã tăng gấp gần 10 lần so với dự báo của các nhà quản lý. Trên bình diện cả nước, ngay cả mức tăng 0,83% so với tháng 7 cũng đã cao hơn nhiều so với dự báo của không ít chuyên gia cũng như các cơ quan chuyên môn khác (chỉ khoảng 0,5%).
Những quyết định về việc điều chỉnh giá xăng dầu từ 17-7, điện tăng từ 1-8, điều chỉnh viện phí tại Hà Nội từ 1-8, giá gas tăng từ đầu tháng 8... đã khiến cho CPI tháng 8 ảnh hưởng một cách rõ rệt. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi giá một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường; cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ có khả năng tăng vào dịp khai giảng, Quốc khánh 2-9... Bên cạnh đó, từ nay, đến cuối năm, theo tính chất mùa vụ, giá cả thường có xu hướng tăng cao, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán... Đặc biệt, CPI cả nước thời gian tới sẽ còn chịu những tác động đến từ TPHCM khi học phí sẽ tăng từ 2 đến 6 lần tùy bậc học khi vào năm học mới và sớm hay muộn “quả bom nổ chậm” khác là giá dịch vụ y tế cũng sẽ phải được TPHCM điều chỉnh. Trong khi, so với tháng 12-2012, nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã tăng tới 18,62% và so với thời điểm tháng 8-2012 thì mức tăng còn “khủng khiếp” hơn: 54,86%. Chẳng thế, sau khi có kết quả CPI tại Hà Nội, TPHCM và trước các diễn biến khó lường từ nay đến cuối năm, hàng loạt các công ty chứng khoán lớn như Sài Gòn, TPHCM, BIDV... đều đưa ra dự báo CPI cả năm có thể tăng ở mức 7% - 8%.
Những diễn biến trên cho thấy, việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm không thể lơ là. Bởi lạm phát rất nhạy cảm, dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát. Mới đây, Bộ Tài chính đã phải có công văn gửi các địa phương chỉ đạo các sở, ngành địa phương kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá (nếu có) đến tình hình kinh tế - xã hội và CPI của địa phương, tránh điều chỉnh vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao. Theo các chuyên gia, quán tính lạm phát của Việt Nam rất lớn nên cần điều tiết hợp lý việc tăng giá của các mặt hàng nhà nước quản lý, tránh gây ảnh hưởng đến lạm phát năm sau. Cùng với đó, rất cần thiết phải thực hiện tích cực và có hiệu quả nhiều giải pháp, đặc biệt là những giải pháp về tài khóa và tiền tệ để ghìm cương lạm phát đột biến.
HÀ MY