Cả nước đang bước vào những tháng cuối năm, cũng là thời điểm chuyển mùa khi miền Nam chuyển mưa trắng trời, còn miền Bắc lại đối mặt với thời tiết ngày nóng đêm lạnh, khiến dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát và lan rộng. Đáng lo ngại hơn, không chỉ có dịch cúm A/H1N1, H5N1, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, viêm não, tiêu chảy cấp…, là các dịch bệnh lưu hành thường xuyên, mà các dịch bệnh nguy hiểm mới khác: Ebola, Mers-CoV, Zika có nguy cơ xâm nhập và bùng phát ở nước ta.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, với sự gia tăng nhanh chóng số người mắc và tử vong. Trong đó, đáng quan ngại nhất là bệnh do virus Zika gây ra, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 3 người mắc tại Phú Yên, Khánh Hòa và TPHCM. Còn trên thế giới đã ghi nhận tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch bệnh này, đặc biệt tại Singapore và Thái Lan số người mắc liên tục gia tăng trong hơn một tháng qua.
Cũng nằm trong nhóm bệnh có nguy cơ lây lan nhanh do muỗi truyền bệnh, bệnh sốt xuất huyết đang nóng lên từng ngày tại nước ta khi từ đầu năm đến nay, tại 53 tỉnh, thành phố ghi nhận tới 72.372 trường hợp mắc bệnh, tăng tới hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên và phía Nam có số ca mắc từ 2-3 lần. Không có vậy, ngay cả tại Hà Nội cũng ghi nhận tới hơn 1.320 người mắc sốt xuất huyết ở 30/30 quận, huyện. Bên cạnh đó, các bệnh tay chân miệng, cúm mùa, sốt rét, tiêu chảy... cũng có nguy cơ bùng phát cao.
Ngoài các yếu tố thời tiết, khí hậu tác động khiến các loại vi khuẩn, virus, muỗi truyền bệnh phát triển mạnh, môi trường ô nhiễm nặng, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm chưa bảo đảm... cũng là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh truyền nhiễm lây lan. Mùa dịch bệnh nguy hiểm đang vào giai đoạn cao điểm, tuy nhiên, điều đáng báo động là ý thức phòng chống dịch của không ít người, chính quyền và cơ quan chức năng ở một số địa phương vẫn chủ quan, lơ là.
Đánh giá của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy, hiện nay một số địa phương vẫn rất lúng túng trong việc điều trị khi xuất hiện những trường hợp mắc dịch bệnh hiếm gặp như ho gà, bạch hầu. Đó là chưa kể khi dịch bệnh xảy ra, cơ quan y tế yêu cầu người dân uống thuốc dự phòng, nhưng người dân không uống đúng theo hướng dẫn. Qua khảo sát, đánh giá số người uống thuốc dự phòng đúng, đủ liều theo hướng dẫn chỉ đạt 75%, số còn lại uống không đủ liều, không thường xuyên và không uống.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi đang có nguy cơ xâm nhập, bùng phát rất cao ở nước ta, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Để đối phó với dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu toàn ngành y tế tập trung vào dự phòng, phát hiện, đáp ứng và khống chế dịch bệnh. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các tác nhân gây bệnh mới nổi, các ổ dịch; mở rộng điểm giám sát và lấy mẫu xét nghiệm. Rà soát các đối tượng và tổ chức tiêm chủng vaccine đầy đủ, kịp thời, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị cho bệnh viện ở các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị khoa học nhằm phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.
Dịch bệnh nguy hiểm không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân, mà còn tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Dịch bệnh không loại trừ bất cứ ai, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nếu chủ quan coi thường. Do đó, bản thân mỗi người dân cần phải nêu cao ý thức, chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của cơ quan y tế để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
QUỐC LẬP