(Bài phát biểu của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006 – 2010, tổ chức tại Hà Nội, ngày 27-8-2011)
Hôm nay, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của hội đồng nhiệm kỳ 2006 - 2010, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đến dự hội nghị quan trọng này và có một số ý kiến trao đổi cùng các đồng chí.
Báo cáo tổng kết của hội đồng đã phản ánh khá toàn diện tình hình và kết quả hoạt động của hội đồng trong nhiệm kỳ 2006 - 2010, đồng thời rút ra những kinh nghiệm cần thiết và phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ 2011 - 2015.
Trong nhiệm kỳ qua, bám sát Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Kết luận của Bộ Chính trị khóa X về công tác của hội đồng nhiệm kỳ 2006 - 2010, với chức năng tư vấn về những vấn đề lý luận chính trị, các đồng chí đã tập trung nghiên cứu, phát triển, làm rõ thêm một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 21; làm rõ thêm một số vấn đề lý luận - thực tiễn về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; làm rõ thêm một số vấn đề về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay; về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...
Điểm nổi bật trong hoạt động của hội đồng là thông qua công tác nghiên cứu khoa học độc lập và vai trò đầu mối của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006 - 2010 thể hiện ở chỗ, đã chú trọng hơn việc gắn kết lý luận với những vấn đề thiết thực, nóng bỏng của đời sống xã hội, nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn; đã nhận thức và giải quyết sâu sắc hơn mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, qua đó góp phần phát triển những vấn đề lý luận và phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận”(**).
Trong quá trình nghiên cứu lý luận - tổng kết thực tiễn, các đồng chí đã chủ trì và phối hợp tổ chức những cuộc hội thảo khoa học, trao đổi có chiều sâu về các vấn đề liên quan đến khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, phân tích những tác động đến Việt Nam và kịp thời đề xuất được một số kiến nghị có giá trị thiết thực, các vấn đề mới về văn hóa, xã hội, tư tưởng, lý luận, báo chí trong tình hình hiện nay. Vấn đề xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức trong công cuộc đổi mới đất nước cũng được đặt ra nghiên cứu, trao đổi một cách nghiêm túc và đạt được một số kết quả mới.
Trong nhiệm kỳ 2006 - 2010, Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm tốt hơn nhiệm vụ tập hợp, quy tụ trí tuệ của các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu lý luận trong cả nước, qua đó tổng hợp và chuyển giao khá kịp thời những luận cứ khoa học mới và ý kiến đóng góp bổ ích phục vụ trực tiếp cho quá trình nghiên cứu, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; soạn thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và các văn kiện khác trình Đại hội XI của Đảng. Nhiều đồng chí trong hội đồng đã trực tiếp tham gia vào các tiểu ban, tổ biên tập các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.
Hội đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu một số đề tài, đề án do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp giao hoặc những vấn đề nghiên cứu do hội đồng chủ động đề xuất; đồng thời, kế thừa, chắt lọc kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu khác nhằm làm tốt chức năng tư vấn của hội đồng và thực hiện một số nhiệm vụ tham mưu do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho.
Hội đồng đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước về lý luận chính trị giai đoạn 2006 - 2010 và đề tài độc lập cấp nhà nước: nghiên cứu chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Quá trình triển khai nghiên cứu các đề tài thuộc chương trình, các đồng chí đã có một số đóng góp trực tiếp vào dự thảo các văn kiện Đại hội XI của Đảng và đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoan nghênh và đánh giá cao.
Các đồng chí đã nghiên cứu, đề xuất những luận cứ đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng bằng việc tổ chức những cuộc hội thảo và viết bài về chủ đề đấu tranh tư tưởng - lý luận chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và các lĩnh vực khác. Hội đồng đã phối hợp tốt với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, các cơ quan của quân đội, công an và các cơ quan báo chí, truyền thông để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trong nhiệm kỳ qua, hội đồng đã có nhiều cố gắng phát triển mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của một số đảng cộng sản và đảng cầm quyền trên thế giới; tổ chức tốt các cuộc hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc; giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản; tổ chức nghiên cứu và giới thiệu một hệ thống chuyên đề với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào và được bạn đánh giá cao.
Việc ra bản tin và xuất bản sách của hội đồng đã góp phần thiết thực và kịp thời vào công tác tuyên truyền, phổ biến những vấn đề lý luận - thực tiễn mới của cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của hội đồng còn bộc lộ một số mặt hạn chế mà các đồng chí đã kiểm điểm nghiêm túc trong báo cáo tổng kết.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt biểu dương những kết quả nghiên cứu lý luận của các đồng chí trong nhiệm kỳ 2006 - 2010 và mong các đồng chí khắc phục kịp thời những mặt còn hạn chế để đưa những hoạt động của hội đồng nhiệm kỳ 2011 - 2015 lên tầm cao mới và đạt được những kết quả mới to lớn hơn.
Về phương hướng hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2015, sẽ có kết luận của Bộ Chính trị. Tại hội nghị này, tôi xin phát biểu một số vấn đề về tổ chức thực hiện:
Một là, hoạt động khoa học chuyên sâu của hội đồng nhiệm kỳ 2011 - 2015 cần tiếp tục tập trung vào việc tổ chức nghiên cứu sâu hơn những vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những thập kỷ tới; cung cấp được hệ thống luận cứ khoa học mới phục vụ thiết thực cho mục tiêu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, như văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu. Cần phân tích sâu sắc và làm sáng tỏ thêm vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường; những vấn đề nảy sinh trong quá trình đổi mới kinh tế. Tổ chức nghiên cứu lý luận - tổng kết thực tiễn thật sự sâu sắc và chủ động hơn nữa để góp phần bảo đảm thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ sở hạ tầng. Các đồng chí cần làm tốt vai trò của mình trong việc tổng kết 30 năm đổi mới.
Hai là, tổ chức thực hiện tốt nghiên cứu lý luận - thực tiễn về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đặc biệt là làm rõ một số vấn đề cấp thiết nhất đang đặt ra phải tập trung giải quyết nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ba là, tổ chức thực hiện tốt nghiên cứu lý luận - thực tiễn về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cung cấp các luận cứ khoa học mới thật sự thiết thực và kịp thời để phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Bốn là, tổ chức thực hiện tốt nghiên cứu lý luận - thực tiễn về định hướng, quan điểm, giải pháp phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Năm là, tổ chức thực hiện tốt nghiên cứu lý luận - thực tiễn về định hướng, quan điểm, giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội ở nước ta hiện nay.
Sáu là, tổ chức tốt nghiên cứu lý luận - thực tiễn về định hướng, quan điểm, giải pháp để giải quyết những vấn đề về quốc phòng - an ninh - đối ngoại trong tình hình mới.
Bảy là, tổ chức tốt hơn, có hiệu quả thiết thực hơn việc trao đổi các vấn đề lý luận - thực tiễn với một số đảng cộng sản và đảng cầm quyền.
Tám là, thông qua việc chủ trì chương trình trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị giai đoạn 2011 - 2015” và việc khai thác, kế thừa kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài khoa học xã hội khác. Cần quan tâm hơn nữa việc tổng hợp, quy tụ “chất xám” của các chuyên gia và các nhà khoa học trong cả nước, bảo đảm góp phần cung cấp kịp thời hệ thống luận cứ khoa học mới thật sự có giá trị để phục vụ trực tiếp cho quá trình soạn thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng và một số nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đây là nhiệm vụ bao trùm của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2015.
Chúng ta muốn nghiên cứu lý luận tốt, trước hết, bản thân mỗi đồng chí công tác tại hội đồng cần phải tự rèn luyện, tự phấn đấu không ngừng vươn lên nâng cao trình độ. Rèn luyện, phấn đấu trong hoạt động khoa học đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại, sáng tạo, phát triển, nắm bắt nhanh nhạy và ủng hộ cái mới; kịp thời rút kinh nghiệm và biết chắt lọc các kết quả nghiên cứu. Muốn vậy, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách làm việc, nghiên cứu của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc hàng ngày, trong mối quan hệ với đồng nghiệp và tạo dựng mối quan hệ tốt trong cơ quan; tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, đoàn kết cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ phục vụ nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị là nghiên cứu hệ thống tri thức trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; là sự tổng kết mang tính khái quát cao thực tiễn công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Cũng như các khoa học khác, khoa học về lý luận chính trị phải cố gắng tìm ra những tính quy luật của các hiện tượng xảy ra trong xã hội và lý giải sâu sắc những hiện tượng đó. Đời sống xã hội đang đặt ra trước mắt chúng ta nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, tổng kết. Nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị phải bám sát hoạt động thực tiễn xã hội mà rút ra những vấn đề mới để hoạch định đường lối, chính sách một cách đúng đắn, phục vụ trực tiếp theo sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước; phải đưa thực tiễn vào lý luận và đưa lý luận vào thực tiễn, góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Dân chủ trong thảo luận, tranh luận khoa học sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra. Nếu không có dân chủ trong thảo luận, tranh luận thì khoa học không thể phát triển. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng đối với việc khắc phục những hiện tượng bảo thủ, trì trệ, giáo điều trong nghiên cứu khoa học, đồng thời mở đường cho cái mới, cái tiến bộ ngày càng phát triển. Trải qua 25 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đã cho chúng ta thấy một vấn đề rất quan trọng là thông qua dân chủ bàn bạc, hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế, nhiều vấn đề mới về lý luận đã được phát hiện và tổng kết, trong đó có tổng kết 20 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam do Hội đồng Lý luận Trung ương thực hiện.
Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tăng cường lực lượng lãnh đạo hội đồng. Bộ máy tổ chức và nhân sự của cơ quan hội đồng đang được kiện toàn. Phương tiện, điều kiện làm việc đang và sẽ được tăng cường. Các quy chế hoạt động của hội đồng đang được xây dựng khẩn trương. Với tổ chức mới, lực lượng mới, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, nhiệm kỳ này các đồng chí sẽ làm được nhiều việc, thực hiện tốt chức năng tư vấn, tham mưu, giúp cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý những vấn đề lý luận - thực tiễn đang đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chúc các đồng chí thu được nhiều kết quả trong nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn đời sống xã hội.
————————-
(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt.
(**) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.235.