Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan

"Chưa bao giờ thời tiết ở ĐBSCL lại cực đoan như năm nay" là nhận định của nhiều nông dân và lãnh đạo ngành nông nghiệp trong vùng. Hơn 3 tuần qua, mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc đã làm nông dân ĐBSCL thiệt hại nặng nề. Tính đến ngày 3-10, mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây thiệt hại nặng cho nông dân trồng lúa. Trong đó, hàng chục ngàn hécta lúa mới gieo sạ và sắp đến kỳ thu hoạch đều bị thiệt hại, lốc xoáy làm sập hàng trăm căn nhà, tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển ngày càng trầm trọng.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) Trung ương cũng như các địa phương liên tục có các công điện khẩn để yêu cầu các địa phương và người dân ứng phó với thời tiết phức tạp. Ngày 3-10, UBND tỉnh Hậu Giang đã họp khẩn về tình hình tiêu thụ mía nguyên liệu bị nước dâng cao gây ngập úng. Có thể nói nhiều địa phương vẫn chủ quan và chưa làm hết sức mình để đưa ra giải pháp cần thiết nhằm tránh thiệt hại nông dân.

Hiện nay, hàng chục ngàn hécta lúa thu đông sản xuất ngoài đê bao đang đối mặt với nguy cơ mất trắng do nước chụp đồng. Địa phương chỉ tuyên bố đơn giản “đây là diện tích lúa ngoài đê bao chúng tôi không khuyến khích sản xuất”, nên nông dân lãnh đủ.

Theo thống kê của các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu, hiện có hơn 80 khu vực sạt lở 5 - 10m/năm. Tình trạng sạt lở đang đặt hàng ngàn người dân trong vùng sống bên miệng “hà bá”. Chỉ riêng Đồng Tháp, còn hơn 1.400 hộ dân có nhà cách mép sông 0 - 20m cần phải di dời gấp. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang thiếu quỹ đất nghiêm trọng để di dời các hộ này đến nơi an toàn.

Các nhà khoa học đều chung nhận định: Vựa lúa, thủy sản, trái cây ĐBSCL là nơi sẽ chịu tác động nặng nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Trong những ngày qua, rất nhiều tuyến đường trong nội ô Cần Thơ bị ngập nước nghiêm trọng do triều cường dâng cao. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện ở Cần Thơ hơn 5 năm qua. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đánh giá nghiêm túc về tình hình đô thị ngập do lũ kết hợp triều cường.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều đô thị khu vực ĐBSCL. Vài năm trước đây, một số ý kiến từ các địa phương ở hạ nguồn như Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng cho rằng: “Nguyên nhân ngập úng ở các đô thị và các cù lao hạ nguồn do nhiều tỉnh trong vùng đồng loạt xây dựng đê bao kiên cố để làm lúa vụ 3”. Những ý kiến này chưa được phản hồi và đánh giá thỏa đáng. Có thể do “áp lực” từ tăng sản lượng lúa hàng năm mà người ta “quên” đánh giá về nguyên nhân này?

Đáng chú ý, một lãnh đạo của ngành xây dựng Cần Thơ cho rằng: “Ngoài yếu tố lũ, triều cường tình trạng ngập nước ở các đô thị hiện nay do tình trạng bê tông hóa ở đô thị tăng nhanh chóng. Khi có mưa hay triều cường, nước không thẩm thấu vào đất được, làm nước dâng cao nhanh. Trong khi bê tông hóa đô thị lại thiếu những quy định, quy cách, kiểm tra về các đường cống thoát nước”.

Hiện tại, nhiều vùng tại Thái Lan, Campuchia đang bị ngập lụt nghiêm trọng. Nước dâng cao ở thượng nguồn sông Mekong, Việt Nam nằm ở hạ lưu chắc chắn sẽ chịu tác động lớn khi nước dồn về vùng trũng. Đáng nói, bài học thủ đô Bangkok chìm trong nước lũ cũng vào thời điểm này cách đây 1 năm vẫn còn thời sự. Rất nhiều yếu tố để có thể nhận định một kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở các đô thị ĐBSCL: Lũ lớn tràn về, nước biển dâng cao, các tầng nước ngầm bị khai thác vô tội vạ, hệ thống đê bao kiên cố sản xuất nông nghiệp gia tăng…

Trong tương lai, các đô thị ở Việt Nam, nhất là ĐBSCL sẽ có những trận lụt như thế hay không? Đó là câu hỏi dành cho các nhà khoa học, giới lãnh đạo trong vùng. Ứng phó với thời tiết ngày càng cực đoan, không đơn giản chỉ các giải pháp tình huống cục bộ. Các đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL gần như không tách biệt mà nằm đan xen theo các trục sông chính dẫn ra biển.

Trong đó, sông Tiền và sông Hậu là hai vùng thể hiện rõ sự đan xen này. Cần có những nghiên cứu và đề xuất giải pháp với quy mô vùng để ĐBSCL chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, sạt lở bờ sông, đê biển như hiện nay.

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục