Giữa nhịp đời chộn rộn, cuộc sống bươn chải với chuyện áo cơm dường như đang làm xáo trộn không ít nếp nhà. Thế nhưng, trong cuộc sống quanh ta vẫn còn nhiều gương sáng về lòng hiếu thảo, khiến người lay động, suy ngẫm.
Một cách sống đẹp
Ở khu phố 4, phường Cầu Kho (quận 1, TPHCM) hầu như ai cũng biết đến chị Trần Thị Mỹ Hạnh. Là con dâu út trong gia đình, suốt 15 năm làm dâu, chị luôn thay anh, chị chồng ở xa, chăm sóc phụng dưỡng cha chồng ngoài 80 tuổi thường xuyên bệnh tật, đồng thời vẫn thu xếp thời gian thường xuyên chăm sóc mẹ ruột vào cuối tuần. Gia đình chị là một hình mẫu lý tưởng với con cái hiếu thuận, các cháu thảo hiền chăm ngoan. Không chỉ trọn vẹn việc nhà chị còn tích cực tham gia công tác xã hội và hoạt động phong trào của địa phương. Chị tâm sự: “Yêu thương và chăm sóc bậc sinh thành, không phân biệt cha mẹ chồng hay cha mẹ ruột là trách nhiệm của mỗi người con. Tôi quan niệm người phụ nữ luôn đóng vai trò nhịp cầu trong các mối quan hệ, là tấm gương cho con cái vì thế việc giữ gìn gia đình hạnh phúc chẳng có bí quyết gì cả, tất cả đều tùy thuộc vào cái tâm của mình đối với gia đình mà thôi”.
Hội nghị tổng kết 20 năm “Người con hiếu thảo”
Cô giáo trẻ Trần Thị Hồng Linh ở ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) lại là một tấm gương về lòng hiếu thảo và ý chí kiên cường vượt khó. Cha chị mất sớm, mẹ bị bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo định kỳ 3 lần/tuần. Vì thế, bà ngoại đã già yếu, đứa em nhỏ còn đi học, bác trai bị bệnh tâm thần… tất cả đều do một tay chị Linh chăm sóc. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, để trang trải chi phí trong gia đình và học đại học, Linh phải đi dạy kèm, tối về còn làm các sản phẩm thủ công kiếm thêm thu nhập. Vừa chu toàn việc học, Linh vừa đảm bảo việc học cho em vừa chăm sóc mẹ, bà ngoại và bác trai neo đơn bệnh tật. Giờ đây, khi đã là một giáo viên Linh vẫn tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương.
Cái tâm của những người con
Nhìn lại, những gương sáng về lòng hiếu thảo đều là những hoàn cảnh gia đình khó khăn giữa một thực tế đáng buồn rằng một bộ phận con cái tuy cuộc sống sung túc nhưng thờ ơ, lãnh đạm với cha mẹ. Theo GS-TS Vũ Gia Hiền, người có hiếu là người tử tế với “lịch sử”, biết ơn “lịch sử”. Nhớ lại quá khứ là “hiếu”, nghĩ tới tương lai là “thảo”. Ông Hiền so sánh: “Ngày xưa, cha mẹ nghèo và đông con, nhưng con cái thường hiếu thảo với cha mẹ. Còn ngày nay, có một sự bất cập lớn: Những gia đình giàu không biết dạy con, con cái thường thích đòi hỏi hưởng thụ. Nếu không được đáp ứng, con quay sang oán trách cha mẹ. Việc hiếu đạo ở các gia đình khá giả đôi khi chỉ là đồng tiền mỗi tháng chu cấp cho cha mẹ, trong khi họ không hề biết rằng người lớn tuổi cần có tình yêu thương, sự chăm sóc từ con cháu hơn bất cứ thứ gì khác. Cuộc sống hiện đại đã khiến con người phải sống nhanh, sống vội. Thế nhưng, chúng ta không nên đánh giá chữ hiếu qua việc có cơm cho cha mẹ ăn hay là nấu cơm cho cha mẹ, mà thay vào đó là chữ tâm của người con. Nếu mình mua cơm hộp cho cha mẹ nhưng thể hiện tình cảm, tấm lòng của mình thì điều đó không có nghĩa là không có hiếu”. Nhìn những gương sáng người con hiếu thảo chúng ta sẽ nhận thấy được một thực tế rằng chữ hiếu không nằm trong điều kiện vật chất, cũng không tùy thuộc vào học vấn hay địa vị xã hội mà chính ở cái tâm, sự nhận thức của mỗi con người, một gói xôi hay một mâm cỗ thịnh soạn được dâng đến cha mẹ bằng cả tấm lòng đều khiến cha mẹ vui lòng.
Theo thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, chữ hiếu thời hiện đại đang bị thách thức không chỉ với những người con mà còn với các bậc cha mẹ. Thạc sĩ Thúy cho rằng : “Ngày xưa cha mẹ luôn kề cận bên con, trong khi nhiều phụ huynh thời nay quá bận rộn, chỉ có mỗi công sinh con ra và cho con tiền. Còn người cho con ăn là bà giúp việc, người đưa con đến trường là bác xe ôm… Nhiều phụ huynh áp đặt con phải làm theo ý mình, nếu con không nghe thì bảo là con cãi lời. Vì thế, điều trước hết cha mẹ cần phải làm là xem lại cách giáo dục con mình để có cách chăm sóc và dạy con cho đúng. Nếu cha mẹ không có nghĩa vụ với con cái thì đừng mong con có hiếu với mình”.
|
PHAN NGỌC