Giữa muôn trùng biển khơi, những căn nhà cổ ở Lý Sơn luôn phải đối mặt với những trận bão tố, cuồng phong. Vậy nhưng, trải dài hơn 200 năm những ngôi nhà ấy vẫn vững chải vượt qua những cơn thịnh nộ của biển. “Nhà còn thì nước còn”, câu nói ấy có lẽ đã ứng với những ngôi nhà ấy khi đã và đang lưu giữ ở đó những tài liệu, hình ảnh về Đội thủy quân Hoàng Sa - Trường Sa và cứ liệu lịch sử quan trọng về chủ quyền đất nước.
Những ngôi nhà gần 200 tuổi
Ngôi nhà cổ có diện tích trên 250m² của gia đình ông Dương Quang Định ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn được xây dựng cách đây hơn 150 năm. Bốn thế hệ của dòng họ Dương đã từng sinh sống trong ngôi nhà này để bám biển Hoàng Sa mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhà được thiết kế theo kiểu “nhà rường đắp đất” cùng hệ thống cột kèo “rau muống” chạm hình đầu Rồng hoặc đầu chim Phụng, cùng với đó là các hoành phi câu đối được chạm khắc công phu. Ngôi nhà này hiện là nơi sinh sống của gia đình ông Dương và cũng là nơi thờ tự những dân binh đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải của dòng họ.
Ngôi nhà cổ của cụ Võ Hiển Đạt - nghệ nhân duy nhất ở đảo Lý Sơn, chuyên phục chế thuyền câu của Hải đội hùng binh Hoàng Sa cách đây mấy trăm năm đã dong buồm ra Hoàng Sa cắm mốc bảo vệ chủ quyền của biển đảo, có tuổi thọ hơn 150 năm tuổi. Gần 80 năm gắn bó với ngôi nhà của tộc họ, cụ Đạt không khỏi xót xa khi từng ngày chứng kiến những hư hỏng. “Vì báu vật của tổ tiên ông bà để lại nên chúng tôi giữ gìn, duy tu, bảo vệ đến ngày nay. Nhưng nhìn ngôi nhà ngày một xuống cấp, tôi xót xa lắm. Giờ mình còn thì tu sửa, giữ được nếp nhà cổ, chứ mai này biết con cháu có còn giữ lại được những nét đặc trưng của ngôi nhà nữa không” - cụ Đạt băn khoăn.
Mỗi một ngôi nhà cổ ở Lý Sơn được ví như một bảo tàng thu nhỏ, trong đó cất giữ nhiều chứng cứ và tài liệu khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, đã được các tộc họ trên đảo Lý Sơn gìn giữ qua hàng trăm năm. Nhiều tài liệu cổ và quý liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa như tờ lệnh ban hành ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Giáp Ngọ 1834, điều động đội binh thuyền của các tộc họ trên đảo Lý Sơn đi Hoàng Sa thi hành công việc, đã được tìm thấy ở 1 trong 24 ngôi nhà cổ ở hòn đảo này. Tờ lệnh quý này đã được gia tộc họ Đặng ở Lý Sơn cất giữ gần 200 năm và hiến tặng Nhà nước ta để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Gấp rút bảo tồn
Theo ông Dương Quang Định, mỗi năm gia đình ông phải bỏ ra từ 10 đến 20 triệu đồng để sửa sang nhà. Vì là nơi thờ các anh em dân binh đội Hoàng Sa nên gia đình cố gắng tu bổ để giữ lại cho con cháu mai sau. Còn cụ Võ Hiển Đạt giọng trầm buồn nói: “Hơn 80 năm gắn bó với ngôi nhà 150 tuổi, chứa nhiều kỷ vật Hoàng Sa của tổ tiên để lại. Ngôi nhà là báu vật của tiền nhân nên tôi luôn nhắc nhở con cháu lưu tâm gìn giữ”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đạt, việc duy tu, bảo dưỡng như lâu nay e rằng không bao lâu nữa, những nếp nhà cổ sẽ thưa dần, rồi vắng bóng hẳn trên đảo Lý Sơn. Gần như toàn bộ ngôi nhà cổ của gia đình cụ Đạt được làm bằng gỗ mít. Trong nhà trang trí rất nhiều hoành phi, câu đối nói về công đức của các vị tiền hiền. Hiện nhiều hạng mục trong nhà đã được thay mới, trông có vẻ bắt mắt hơn, song đã không thể nâng tầm cho ngôi nhà mà còn tỏ ra lỗi nhịp, gượng gạo đến xót lòng.
Giá trị du lịch từ những căn nhà cổ Lý Sơn đã kéo các đơn vị kinh doanh du lịch tìm đến thương thuyết với chủ nhà làm du lịch homestay. Tuy nhiên, theo cụ Võ Hiển Đạt, nếu làm không khéo, loại hình du lịch này sẽ phá vỡ không gian, giá trị của hệ thống nhà cổ trên đảo.
HÀ MINH