Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Công nghệ Tiên Phong- Lâm Thiếu Quân: Cần đầu tư nhân lực CNTT để phát triển đất nước

“Ai cũng hiểu, ứng dụng KHCN tiên tiến sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả lao động và là cơ sở cho việc tăng thu nhập cho người lao động. Chúng ta cần phải đầu tư nguồn nhân lực quản lý các dự án CNTT chất lượng cao cho các dự án về chính phủ điện tử”.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Công nghệ Tiên Phong- Lâm Thiếu Quân: Cần đầu tư nhân lực CNTT để phát triển đất nước

“Ai cũng hiểu, ứng dụng KHCN tiên tiến sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả lao động và là cơ sở cho việc tăng thu nhập cho người lao động. Chúng ta cần phải đầu tư nguồn nhân lực quản lý các dự án CNTT chất lượng cao cho các dự án về chính phủ điện tử”.

Bỏ đường thẳng, rẽ đường ngang

Ông Lâm Thiếu Quân (SN 1963, ảnh) tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Bách khoa TPHCM, là con trai đầu của Anh hùng Không quân Lâm Văn Lích. Là lãnh đạo công ty mẹ (có 12 công ty thành viên) chuyên về khoa học công nghệ với nhiều dự án lớn, công nghệ mới.

Lâm Thiếu Quân chọn nơi bắt đầu sự nghiệp của mình là công trình xây dựng cảng Bến Nghé, từng là một trong những công trình trọng điểm của TPHCM. Ông tham gia ban quản lý và tích lũy được nhiều kinh nghiệm về thi công công trình và quản lý nhà nước. Vừa làm, ông vừa tiếp tục tự nâng cao trình độ ngoại ngữ và học văn bằng 2 ngành Ngoại thương tại Đại học Kinh tế TPHCM để trực tiếp làm việc với đối tác nước ngoài.

Ông Quân được làm đúng với chuyên môn ở môi trường lý tưởng, nhiều người nghĩ ông sẽ thẳng tiến trên con đường đã chọn. Nhưng sau 6 năm ông quyết định rời đường thẳng và rẽ sang con đường mới: xin thôi việc tại cảng Bến Nghé, về làm nhân viên một công ty thương mại của Chính phủ Singapore.

Ông tâm sự: “Làm việc trong môi trường quốc tế, tôi  học được phong cách làm việc chuyên nghiệp, cách tổ chức và điều hành bộ máy quản lý kinh doanh đa ngành. Tôi thấy quản lý đô thị của Singapore thật thông minh, từ quy hoạch xây dựng cho đến điều tiết giao thông... đều tạo sự thoải mái cho người dân. Tôi đã hình thành ý tưởng đem những công nghệ và ý tưởng quản lý mới về ứng dụng trong quản lý đô thị tại Việt Nam. Do vậy, tôi đã nhận lời mời về làm việc tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ tin học và điều khiển CATIC (được thành lập bởi nhóm giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM) với mục tiêu ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống.

Lúc đầu CATIC hoạt động khá khó khăn, với khoảng 100 triệu đồng vốn và doanh thu năm 1996 chỉ có 600 triệu đồng. Nhưng với chiến lược tập trung kinh doanh các sản phẩm mới kỹ thuật cao, CATIC đã ngày càng phát triển.

Ông tiếp tục thành lập và điều hành Công ty Kỹ thuật điện Toàn Cầu, chuyên kinh doanh các thiết bị chống sét, thiết bị lưu điện (niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội năm 2009), rồi lần lượt thành lập thêm nhiều công ty khác như: Công ty Thạch Anh (chuyên về cơ điện); Công ty Tân Tiến (chuyên về điện tự động); Công ty Siêu Tính (cung cấp giải pháp tin học tổng thể); Công ty Tín Thông (chuyên về viễn thông); Công ty Phần mềm Tiên Phong... Các công ty này đều kinh doanh ổn định, tăng trưởng nhanh.

Ứng dụng  CNTT để phát triển

Từ khi chuyển sang kinh doanh cũng là lúc ông Quân trăn trở nhiều nhất, nỗ lực hết mình để ứng dụng những phát minh khoa học, công nghệ tiên tiến vào đời sống, góp phần cùng với các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết những bài toán khó. Nhiều giải pháp công nghệ của ông được áp dụng đã giúp cơ quan nhà nước tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí, tăng tính chính xác cho việc thu thập số liệu và tăng sự thuận tiện của người dân và doanh nghiệp. Như: hệ thống hỗ trợ khai báo thuế dùng mã vạch 2 chiều; hệ thống thu phí giao thông tự động được triển khai trên toàn quốc; cải tiến việc ghi số điện, nước từ thủ công sang dùng công cụ máy tính cầm tay… Ông cũng đang nghiên cứu ứng dụng các giải pháp giao thông thông minh để hy vọng ứng dụng cho TPHCM vào năm 2012.

Ứng dụng CNTT góp phần giảm thiểu những thủ tục rườm rà, tinh giảm bộ máy, thu nhập của công chức từ đó được cải thiện và những hiện tượng tiêu cực, như quan liêu, cửa quyền, hách dịch và tham nhũng sẽ dần được loại bỏ. “Chú trọng thực hiện lời hứa với mọi người, vô tư trong việc giúp đỡ bạn bè và người khó khăn. Phương châm sống của tôi là cố gắng trở thành một người thành công, mang lại hạnh phúc cho gia đình, tạo cơ hội cho đồng nghiệp, đem lại niềm vui cho bạn bè và một ước ao lớn lao hơn là làm được điều gì đó cho sự tiến bộ của xã hội”. (Lâm Thiếu Quân)

Tuy nhiên, theo ông Quân cái khó mà ông gặp không phải là các bài toán kỹ thuật, mà là những nút thắt từ những quy định về pháp lý còn lạc hậu. “Vì thế, điều tôi muốn là có được điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước. Ai cũng hiểu, ứng dụng KHCN tiên tiến sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả lao động và đó cũng là cơ sở cho việc tăng thu nhập cho người lao động. Chúng ta cần đầu tư nguồn nhân lực quản lý các dự án CNTT chất lượng cao cho các dự án về chính phủ điện tử”.

Hiện ông đã xây dựng một chương trình hành động với mong muốn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ với chương trình “2 xây + 1 chống”.

“Xây” đầu tiên là Xây dựng hệ thống kiểm soát lạm phát để nâng cao chất lượng đời sống người lao động, đặc biệt là lao động nghèo. “Xây” thứ hai là xây dựng bộ máy hành chính công dựa trên những ứng dụng CNTT, giúp xây dựng chính phủ điện tử hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu suất công việc, làm cho người dân hài lòng. Còn “1 chống” là chống tiêu cực quan liêu, lãng phí trong quản lý giao thông đô thị để giảm tai nạn và ùn tắc giao thông”.

Bài, ảnh: Đăng Phạm

Tin cùng chuyên mục