(SGGP).- Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày 13-10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật 100 đại biểu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng đại diện các hiệp hội doanh nhân đã thay mặt đoàn đại biểu bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp.
Các đại biểu báo cáo với Chủ tịch những nét chính về tình hình hoạt động. Theo đó, trong 9 tháng của năm 2012 đã có khoảng 40.000 doanh nghiệp phải giải thể và ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp còn lại hoạt động trong tình trạng khó khăn chật vật. Các doanh nghiệp đã kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp thực tế, giúp doanh nghiệp khôi phục đà tăng trưởng.
Nhiều đại biểu đề xuất giải pháp để thay đổi những bất cập trong cải cách hành chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí về thời gian, tiền bạc. Cùng với tin tưởng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp cũng nêu rõ, do chưa chú trọng đến nâng cao năng suất, thực hành tiết kiệm, nâng cấp quản lý, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh vừa qua đã chịu thua lỗ. Đây là bài học kinh nghiệm cần được rút ra trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Lắng nghe và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của các doanh nhân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương và chúc mừng các hiệp hội, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đã vượt lên khó khăn, thách thức to lớn để tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các văn kiện, nghị quyết quan trọng của Đảng đều coi trọng và đánh giá cao vai trò vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân. Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mở rộng và tăng cường quan hệ đối ngoại, giải quyết việc làm cho người lao động, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vai trò của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân ngày càng được xã hội đề cao. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động vẫn còn nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn về vốn, đầu ra cho sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động có hiệu quả, đảm bảo việc làm cho người lao động, tích cực đóng góp cho đất nước.
Chủ tịch nước căn dặn tình hình hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách cho giới doanh nhân; các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải chủ động, sáng tạo nắm bắt thị trường, đổi mới công nghệ, mô hình quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, giữ gìn uy tín trong kinh doanh.
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện ưu đãi nhằm giúp doanh nghiệp ổn định, từng bước vượt qua khó khăn.
* Cùng ngày, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã tổ chức lễ chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam lần thứ VIII và tôn vinh doanh nhân TPHCM tiêu biểu năm 2012 với sự tham gia đông đảo của các doanh nhân trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã ghi nhận và biểu dương đội ngũ doanh nhân thành phố không ngừng phát triển lớn mạnh trong những năm qua, có nhiều đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của thành phố và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặc dù năm 2012, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn và thử thách nhưng nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất, góp phần chung tay ổn định kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội…
Danh hiệu “Doanh nhân TPHCM tiêu biểu” không chỉ là biểu tượng tôn vinh các doanh nhân có nhiều đóng góp thiết thực, mà còn là động lực để đội ngũ doanh nhân phấn đấu, đi đầu trong các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng của thành phố và cả nước.
Nhân dịp này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn “Giữ vững niềm tin - Vượt qua thách thức” tại Hà Nội nhằm chia sẻ những kinh nghiệm vượt qua khó khăn giữa giới chuyên gia và doanh nghiệp, cũng như các doanh nghiệp với nhau.
Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định số doanh nghiệp giải thể có thể sẽ tăng lên nếu không có giải pháp tích cực bởi bên cạnh số doanh nghiệp đã phá sản, giải thể thì ngay bản thân doanh nghiệp đang tồn tại cũng đang phải cố gắng vật lộn để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, cái khó của nhiều doanh nghiệp hiện nay chính là lãi suất; chính sách không công bằng với doanh nghiệp tư nhân về công nghệ, vay vốn và cuối cùng là hàng giả, hàng nhái tràn lan.
Để giải quyết những khó khăn hiện nay, theo ông Trần Văn Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, cần có giải pháp quyết liệt về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần khoanh lại những khoản vay cũ rơi vào nợ khó đòi, chậm trả để cho doanh nghiệp có sản phẩm tốt, có thị trường dễ tiếp cận vốn. Để làm được điều này không chỉ là vai trò của ngân hàng thương mại mà cả sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Chính phủ nên giúp doanh nghiệp bằng cách ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định kinh tế thị trường, tận tâm giúp đỡ giới doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp, theo ông Lộc, hãy tự cứu mình trước khi Chính phủ cứu. Trong bối cảnh khó khăn cũng có một bộ phận doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt như: dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ... Do đó, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần chú ý đến yếu tố nền tảng, quản trị tốt, tập trung kinh doanh ngành nghề cốt lõi, đa dạng hóa thị trường.
HÀ MY - T.T.X.