* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên đường thăm chính thức Cộng hòa Italy
(SGGP).- Sáng 19-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Tokyo đến thăm Osaka vùng Kansai, trung tâm công nghiệp của Nhật Bản trước khi kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước Nhật Bản. Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến tận Nhà khách Quốc gia chào Chủ tịch nước và phu nhân. Tại đây, Chủ tịch nước và phu nhân đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Nhà vua, Hoàng hậu, Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản luôn dành sự quan tâm sâu sắc và thân tình trong suốt thời gian đoàn Việt Nam ở thăm Nhật Bản.
Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Chủ tịch nước mong muốn, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng cộng đồng người Việt Nam ở đây hãy cùng suy nghĩ, hành động để góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, thực chất và sâu sắc trên mọi lĩnh vực.
Ngay khi đến Osaka, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu Việt Nam đã dự buổi tọa đàm cùng liên đoàn kinh tế và lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn vùng Kansai, tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản.
Tại đây, Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ ngành Việt Nam đã đối thoại và giải đáp những vấn đề mà các tập đoàn kinh tế lớn vùng Kansai (gồm Osaka, Kyoto, Sakai và Kobe) nêu ra. Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và vùng Kansai nói riêng quan tâm tới việc tăng cường hợp tác trong 6 lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam (điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, ô tô và phụ tùng ô tô), trong đó hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ là một điểm nhấn quan trọng. Thành công của Công ty Honda Việt Nam trong việc từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một cách bền vững, từ 10% vào năm 1998 đến trên 95% hiện nay, là một minh chứng cho thành công của các dự án đầu tư của Nhật Bản có liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
“Việt Nam luôn coi các bạn là một thành phần quan trọng của kinh tế Việt Nam, thành công của các bạn là thành công của Việt Nam. Các bạn hãy vững tin và đồng hành cùng Việt Nam, vì lợi ích chung của chúng ta và quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và vì một châu Á phát triển, thịnh vượng và ngày càng gắn kết” - Chủ tịch nước phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp 2 nước. Tại đây, Chủ tịch nước đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và Tập đoàn Genepro.
Cũng trong chiều 19-3, tại Osaka, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có một loạt hoạt động: gặp gỡ lãnh đạo Hội Hữu nghị Nhật - Việt Kansai; gặp lãnh đạo 7 Hội Hữu nghị Nhật - Việt từ Osaka, Kyoto, Kobe, Sakai và Hiroshima; gặp Phó Thống đốc Kyoto và chứng kiến lễ ký Văn bản Hợp tác hữu nghị Kyoto - Huế; tiếp Thống đốc Osaka, Phó Thị trưởng Osaka, Thị trưởng Sakai, Thống đốc Hyogo, Thị trưởng Kobe. Tối cùng ngày, trước khi rời Osaka về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, Chủ tịch nước và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ nhân viên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam và cộng đồng, lưu học sinh tại Osaka.
* Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ, chiều 19-3 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã hội kiến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Liên bang Thụy Sĩ Hannes Germann và dự phiên họp toàn thể của Hạ viện, Thượng viện.
Vui mừng nhận thấy quan hệ song phương giữa Quốc hội 2 nước phát triển tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị hai bên có cơ chế tham vấn, phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Thượng viện Liên bang Thụy Sĩ Hannes Germann khẳng định hợp tác nghị viện là một trong những kênh hợp tác hiệu quả trong quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ, đồng thời đề nghị Quốc hội 2 nước tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập pháp, đẩy mạnh vai trò giám sát thực hiện các hiệp định giữa Chính phủ 2 nước để đạt kết quả thiết thực.
Tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã rời thủ đô Bern, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Thụy Sĩ và lên đường sang thủ đô Rome, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Italy theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Italy Laura Boldrini.
TRẦN LƯU - NGỌC MINH
Việt Nam - Nhật Bản hợp tác toàn diện về nông nghiệp
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thành công tốt đẹp, nâng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới, mở ra giai đoạn phát triển mới. Liên quan đến những vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh) đã có cuộc trao đổi với báo chí ngay khi chuyến thăm kết thúc.
* Phóng viên: Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này?
* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH: Cả Việt Nam và Nhật Bản đều hết sức coi trọng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước cùng nhau trao đổi và thống nhất về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản sang một giai đoạn phát triển mới sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn nữa.
* Đâu là những kết quả nổi bật của chuyến thăm, thưa Phó Thủ tướng?
* Điểm nhấn nổi bật nhất là hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tuyên bố chung đã xác lập những phương hướng lớn của quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, qua chuyến thăm, hai bên cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận trong một số lĩnh vực hợp tác cụ thể như: đầu tư, thương mại, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, nông nghiệp,...
* Phó Thủ tướng có thể nói rõ hơn về những lĩnh vực hợp tác ưu tiên của hai nước?
* Trong thời gian tới, hợp tác giữa hai nước sẽ được thúc đẩy theo những hướng lớn sau:
1. Hợp tác với Nhật Bản, thông qua ODA, FDI hay hợp tác công tư (PPP) có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng của Việt Nam. Hai bên sẽ tích cực triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận;
2. Việt Nam rất coi trọng hợp tác với Nhật Bản trong triển khai chiến lược công nghiệp hóa. Hai bên đang phối hợp chặt chẽ triển khai Kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp ưu tiên trong chiến lược này. Hai bên cũng đang trao đổi về ý tưởng hợp tác xây dựng hai khu công nghiệp chuyên sâu về các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử;
3. Triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế song phương (VJEPA), tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có hàng nông - hải sản, tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Nhật Bản. Hai bên phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hiện nay (đang ở mức hơn 25 tỷ USD) trước năm 2020;
4. Việt Nam và Nhật Bản sẽ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam về khoa học công nghệ, kinh nghiệm trong qua trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; 5. Tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển bền vững, y tế, phúc lợi xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
TRẦN LƯU (ghi)