Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư

Theo TTXVN, sáng 31-8 (theo giờ New York, Mỹ tức đêm 31-8, rạng sáng 1-9 theo giờ Việt Nam), tại Trụ sở Liên hiệp quốc, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư đã chính thức khai mạc với sự tham dự của của 140 đoàn nghị viện cấp cao từ các quốc gia trên thế giới. Đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư

Theo TTXVN, sáng 31-8 (theo giờ New York, Mỹ tức đêm 31-8, rạng sáng 1-9 theo giờ Việt Nam), tại Trụ sở Liên hiệp quốc, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư đã chính thức khai mạc với sự tham dự của của 140 đoàn nghị viện cấp cao từ các quốc gia trên thế giới. Đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu.

Hòa bình, dân chủ và phát triển

Chủ đề của Hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề liên quan đến hòa bình, dân chủ và phát triển. Dự và điều hành Hội nghị có Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới (IPU); Ngài Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc và Ngài Tổng Thư ký IPU Martin Chungong.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới Saber Chowdhury nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội lần này thể hiện sự nỗ lực tham gia ngày càng tích cực và sâu sắc của nghị viện các quốc gia trên thế giới vào việc hoạch định và xây dựng chương trình nghị sự sau năm 2015 của Liên hiệp quốc. Ngài Saber Chowdhury cho rằng, mối quan hệ về tổ chức IPU với tổ chức Liên hiệp quốc đã liên tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua; mong muốn hai tổ chức sớm ký kết bản Thỏa thuận hợp tác hướng tới những cơ hội hợp tác rộng lớn hơn nữa với những mục tiêu tương đồng quan tâm đến con người, vấn đề an ninh và đời sống của người dân và cử tri trên toàn thế giới.

Với chế định tổ chức theo hiến pháp ghi nhận bao gồm chức năng giám sát Chính phủ, thông qua luật và bảo đảm quá trình thực thi luật pháp, đưa pháp luật vào cuộc sống, hài hòa các nguồn lực thông qua quá trình phân bổ phân sách, các nghị viện các nước trên thế giới giữ vai trò và trách nhiệm to lớn. Vì thế nghị viện các nước đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, tại hội nghị lần này, các nhà lập pháp lại gặp nhau sau 5 năm để bàn thảo những nội dung phát triển trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều các cuộc khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực. Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng đánh giá cao những nỗ lực và vai trò của Liên minh nghị viện thế giới trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và đóng góp tích cực vào các nội dung nghị sự của Liên hiệp quốc.

Ngay sau phần khai mạc, hội nghị đã họp Phiên toàn thể thứ nhất với các báo cáo: Báo cáo về việc thực hiện các khuyến nghị của các Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội và Nghị viện trước đây và góc độ nghị viện trong quan hệ quốc tế do bà Rebecca Kadaga, Chủ tịch Nghị viện Uganda trình bày; Báo cáo về Lồng ghép bình đẳng giới vào công việc của các Nghị viện do bà Gabriela Montano, Chủ tịch Hạ viện Boliavia và Ngài Norber Lammert, Chủ tịch Nghị viện Đức trình bày.

Chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội chính là hiện thân của nền dân chủ. Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới lần này là dịp để cùng nhìn lại những cam kết đã đưa ra và tái khẳng định những cam kết đó với những nội hàm mới phù hợp với tình hình quốc tế đang đổi thay hàng ngày, hàng giờ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, các Nghị viện thành viên của IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3-2015 vừa qua. Các Nghị viện đã khẳng định tầm nhìn phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm thực hiện các quyền con người, trao quyền cho mọi người phát huy hết tiềm năng, dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế.

Tại Trụ sở Liên hiệp quốc, New York, Hoa Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới và phát biểu tại phiên toàn thể lần thứ nhất. Ảnh:TTXVN

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với mong muốn gìn giữ hòa bình, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc, của luật pháp quốc tế, cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, vì lợi ích và an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, đe dọa sử dụng vũ lực, khủng bố trên toàn cầu.

Tiếp đó, Hội nghị đã thảo luận chung về chủ đề: Dân chủ vì Hòa bình và Phát triển bền vững: Xây dựng thế giới theo ý nguyện của nhân dân.

Cũng trong ngày đầu tiên, hội nghị đã họp Phiên toàn thể thứ hai; nghe các báo cáo: Báo cáo về sự tham gia của nghị viện trong việc hình thành và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững do Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU trình bày; Báo cáo về những thách thức mà các Nghị viện ngày nay phải đối mặt do Ngài David Carter, Chủ tịch Nghị viện New Zealand trình bày. Hội nghị đã nghe bài phát biểu của bà Helen Clark, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP).

Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư

Thưa Ngài Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới,

Thưa các vị Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các quý vị đại biểu,


Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, tôi xin gửi tới Ngài Chủ tịch IPU cùng tất cả các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư lời chào trân trọng và những lời chúc tốt đẹp.

Mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều tha thiết với ước vọng về một thế giới hoà bình cũng như quyết tâm xây dựng một nền dân chủ. Để phát huy dân chủ, chúng ta cần không ngừng xây dựng, củng cố lòng tin lẫn nhau, đảm bảo hòa bình vững chắc thông qua hợp tác, thông qua đối thoại. Khi hòa bình và dân chủ được bảo đảm, cơ sở để thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững mới được đảm bảo và ngược lại có dân chủ và phát triển bền vững chúng ta sẽ có điều kiện để củng cố hòa bình một cách vững chắc.

Quốc hội chính là hiện thân của nền dân chủ. Hội nghị Thượng đỉnh Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới lần này là dịp để tất cả chúng ta cùng nhìn lại những cam kết mà chúng ta đã đưa ra và tái khẳng định những cam kết đó với những nội hàm mới phù hợp với tình hình quốc tế đang đổi thay hàng ngày, hàng giờ.

Cộng đồng thế giới đang chung tay nỗ lực xây dựng một chương trình nghị sự phát triển bền vững mới với mục tiêu chấm dứt đói nghèo, thu hẹp sự bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh của chúng ta cho thế giới mai sau. Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, các Nghị viện thành viên của IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3-2015 vừa qua. Các Nghị viện đã khẳng định tầm nhìn phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm thực hiện các quyền con người, trao quyền cho mọi người phát huy hết tiềm năng, dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế.

Thưa các quý vị đại biểu,

Trải qua nhiều năm đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng với nhân dân các nước trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn khao khát được sống trong một thế giới hòa bình và dân chủ. Vì lẽ đó, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” luôn là mục tiêu hướng tới và động lực phát triển của dân tộc Việt Nam chúng tôi.

Việt Nam luôn cho rằng để đảm bảo dân chủ trong quan hệ quốc tế, các nước cần tôn trọng và nêu cao vai trò của hợp tác quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề vướng mắc giữa các quốc gia. Ở tầm quốc gia, để đảm bảo dân chủ, Quốc hội cần đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường vai trò của Nhà nước pháp quyền, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo thực hiện các quyền tự do cơ bản của người dân.

Với mong muốn gìn giữ hòa bình, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc, của luật pháp quốc tế, cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, vì lợi ích và an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, đe dọa sử dụng vũ lực, khủng bố trên toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam xác định rõ ba trụ cột của phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó đề cao và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, coi phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn dân.

Khát vọng và ước nguyện chính đáng của mỗi người dân trên trái đất này là được sống trong một thế giới hòa bình, dân chủ, ấm no và hạnh phúc. Chúng tôi tin tưởng rằng Tuyên bố Hội nghị lần này sẽ góp phần phản ánh tiếng nói về cam kết của nghị viện các quốc gia, thể hiện trách nhiệm của các nghị viện trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua luật pháp và chính sách dân chủ, đáp ứng khát vọng và nguyện vọng của mọi người dân trên thế giới.

Xin cám ơn tất cả quý vị đại biểu đã lắng nghe.

PHƯƠNG NAM (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục