(SGGPO). - Mở đầu phần trả lời chất vấn sáng nay (18-11) tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, lộ trình tăng lương sẽ được tính toán để thực hiện đồng thời đối với cả đối tượng hưởng lương hưu, người trong lực lượng vũ trang, người có hệ số lương dưới 2,34 và các đối tượng khác.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, từ ngày 1-1-2016, người hưởng lương hưu, người trong lực lượng vũ trang, người có hệ số lương dưới 2,34 sẽ được nâng lương 8%. Còn người đương chức sẽ được nâng lương từ ngày 1-5-2016, với mức tăng 5%. Riêng các đối tượng chuyển đổi chế độ trong thời gian từ 1-1-2016 đến trước 1-5-2016, Chính phủ tới đây sẽ có hướng dẫn thực hiện theo đúng nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp này. “Tức là vẫn đảm bảo mức tăng 8% cho ngay khi đối tượng có quyết định nghỉ hưu, đảm bảo quyền lợi cho người hưởng lương” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu sáng 18-11. Ảnh Lã Anh
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) về vấn đề phân cấp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dù phân cấp gì nhưng trách nhiệm cơ quan hành pháp tối cao là Chính phủ, là Thủ tướng Chính phủ. Địa phương làm sai phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về câu hỏi: “lỗi cá nhân hay lỗi công vụ trong xử lý oan sai, bồi thường có phân biệt không, hay cứ lấy ngân sách để bồi thường, xử lý?”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết, pháp luật hiện hành đã có phân biệt khá rõ, lỗi nào là do cá nhân thẩm phán, lỗi nào là do cố ý, do trình độ, lỗi nào do khâu điều tra, do công tác xét xử… Toà án sẽ phân định vấn đề này. “Luật đã tương đối đủ, tương đối rõ nên chưa cần đề xuất sửa đổi, bổ sung gì” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Liên quan đến quy trình ban hành luật, ĐB Trần Du Lịch cho rằng hầu hết các dự luật đều do Chính phủ đề xuất, nhưng có những luật nói mãi mà chưa đề xuất, chẳng hạn như Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Quy trình làm luật như vậy là chưa tốt, vậy có cần bổ sung gì không? Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Hiện nay mỗi ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, MTTQ … đều có quyền đề xuất Luật. Trong đó, Chính phủ là cơ quan hành pháp, thực tiễn đòi hỏi trong rất nhiều lĩnh vực. Người điều hành trực tiếp nắm được yêu cầu của thực tiễn, nên thời gian qua Chính phủ là chủ thể chính đề xuất Luật. Các chủ thể khác cũng đã có một số đề xuất Luật. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có ĐBQH nào đưa ra đề xuất Luật. “Ngay ĐB Trần Du Lịch cũng có thể tự mình đề xuất một luật nào đó. Luật pháp không cần bổ sung, vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện cho tốt” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Phúc về thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết đến nay chưa có số liệu chính xác thất thoát là bao nhiêu phần trăm, nhưng khẳng định “đây là vấn đề có thật, gây bức xúc trong dư luận”. Theo Bộ trưởng này, năm qua công tác rà soát đã cắt giảm trên tổng dự toán các công trình đầu tư xây dựng được trên 5%. Giai đoạn từ năm 2011-2015, Bộ Xây dựng đã tổ chức hàng trăm đoàn kiểm tra, kiến nghị xử lý kinh tế 3.300 tỷ đồng. Cũng trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng 3 bộ KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng có thể tính toán được, định lượng được thất thoát lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực kinh tế của nhà nước, nhất là trong đầu tư xây dựng. “Có thể tính toán được, nhưng chính xác thì khó có thể” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói. Theo Bộ trưởng này, việc sử dụng các nguồn lực kinh tế, nhất là trong đầu tư xây dựng tất cả chúng ta đều biết có thất thoát, lãng phí còn nghiêm trọng, nhưng định lượng là bao nhiêu thì không phải đơn giản. Kể lại câu chuyện một trường hợp cố tình rút bớt thép khi đang xây dựng cầu ở Lào Cai, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Cậu đội trưởng khai trong thiết kế thừa nên mới lấy đi. Hỏi tại sao lại thừa, thì được trả lời là ông thiết kế được ăn phần trăm, nên tổng dự toán càng to thì ông ta ăn càng lớn”.
Từ câu chuyện này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng lãng phí thất thoát là ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt tổng dự toán dự án. Hay tổ chức đi học tập trao đổi ở nước ngoài mà không hiệu quả cũng là lãng phí, mua sắm mà gửi giá cũng là thất thoát. “Vì thế, nên có đề án để tính toán, nhưng sẽ là đề án khó. Trước hết phải siết chặt lại ở từng khâu một” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề xuất.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời các ý kiến chất vấn của ĐBQH.
(tiếp tục cập nhật…)
HÀM YÊN