Từng một thời kham khổ, hiểu rõ chuyện phải đi vay “lãi nóng” nên khi cơm no áo ấm, bà sẵn lòng giúp “đồng nghiệp” nghèo có “chiếc cần câu cơm” bằng cách truyền lại nghề... cấy mướn và cho mượn tiền không tính lãi.
Một thuở cơ hàn
Ở ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nhiều người trìu mến gọi bà Ba Lịch (Võ Thị Lịch) là “chủ tịch tập đoàn”. Dù đã 70 tuổi nhưng trông bà vẫn mạnh mẽ như một thợ cấy lúa chuyên nghiệp. “Bữa nay chú gặp được là hên lắm, bởi tui ở ngoài đồng nhiều hơn ở nhà. Tui mới lãnh vạc ruộng hơn ngàn công cấy lại bên Đồng Tháp. Sắp tới sẽ dẫn đoàn qua đó cắm trại, cấy xong mới về. Bây giờ tui không còn xuống ruộng cấy nữa, chỉ đứng trên bờ chắp tay đi tới đi lui chỉ huy thôi. Nghề cấy lúa mướn bây giờ thịnh hành rồi, số người gia nhập “tập đoàn” của tui lên tới 200 người rồi đó”, bà Lịch khoe.
“Tập đoàn” cấy lúa mướn của bà Ba Lịch miệt mài lao động trên những cánh đồng lúa.
Xuất thân trong gia đình nghèo, vợ chồng bà Lịch lam lũ qua nhiều nghề để gồng gánh nuôi con.
Trong quá trình rong rủi khắp nơi trên chiếc ghe lườn, vợ chồng bà neo ghe lại đâu đó rồi đi cấy lúa mướn. Gần 40 năm trước, chồng bà đột ngột qua đời bỏ lại 5 người con. Thời ấy bà cấy lúa trên đồng mà lòng dạ nôn nao, bởi không ai giữ mấy người con nhỏ đang sống trên ghe. Bà Lịch nhớ lại: “Phải nhịn đói từ tờ mờ sáng để ra đồng cấy lúa mướn, tới chạng vạng tối mới về. Làm quần quật mà tiền công vẫn không đủ trang trải. Có lần con mắc bệnh, phải đi hỏi vay bạc “nóng”. Thấy tui sống dưới ghe, nên người ta không dám cho vay nhiều. Rồi họ tính lãi cao, mượn 100.000 đồng phải trả lãi 10.000 đồng/ngày. Đúng là Người ta đi cấy lấy công, tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề. Nhưng phải cố gắng để có tiền nuôi con, vì cái đói lúc nào cũng chực chờ”.
Bà Ba Lịch luôn giúp đỡ những thành viên trong “tập đoàn” cấy mướn của mình.
May thay, nhờ cấy lúa “mát tay” nên tiếng lành đồn xa. Chủ ruộng khắp nơi kêu bà đến cấy thuê không xuể. Năm 1986, bà Lịch được Công ty Xuất nhập khẩu An Giang gọi cấy lúa Nhật. Lúc đó bà mới nghĩ tới chuyện cần phải huy động thêm người tiếp sức. Cấy xong vụ đó, lúa cho năng suất cao nên sau này công ty này trở thành mối làm ăn lớn của bà. “Ban đầu, nhiều đứa trẻ chỉ biết cấy sơ sơ. Tui mới đứng ra chỉ nghề, từ chuyện bắt mạ và cấy sao cho ngay hàng, thẳng lối. Cứ thế, tui hướng dẫn tận tình cho không biết bao nhiêu chị em trong xóm này nên bây giờ họ gắn bó luôn với mình. Hiện cả trai lẫn gái trong “tập đoàn cấy mướn” đều gọi tui là “bà chủ tịch””- bà Lịch cười nói.
Trước kia, gia đình bà Ba Lịch không có lấy miếng đất cắm dùi nên các con bà đều theo nghiệp cấy mướn. Nay con cháu, dâu rể của bà có đến chục người đều theo nghề cấy lúa. “Tính ra cũng đã ngót 40 năm làm nghề. Mỗi ngày bình quân thu nhập tiền công cũng hơn 200.000 đồng/người, gia đình giờ sống khỏe. Nhờ đó tui và các con cất được nhà, mua được 3 - 4 xe gắn máy. Dù không giàu bằng ai, nhưng cũng qua thời cơ hàn ngày trước”- bà Lịch tâm sự.
Giúp người nghèo
Trong “tập đoàn” cấy lúa mướn của bà Ba Lịch, hễ ai thiếu xe đi cấy hoặc có ai bệnh tật hay con cái ốm đau, bà đều cho mượn tiền không lấy lãi, đến hết mùa cấy mới trả lại cho bà. Nếu nói về số người mượn tiền của bà mỗi lần vài triệu đồng để trang trải cuộc sống thì không sao nhớ hết. Ở huyện Châu Thành có đến 4 - 5 đoàn cấy lúa mướn nhưng chưa đoàn nào đối xử với nhân công tốt như bà. “Tui lãnh của chủ ruộng giá bao nhiêu là thuê lại nhân công bấy nhiêu. Thường tui trả công gieo mạ 50.000 đồng/công, cấy lúa 400.000 đồng/công. Cấy xong ngày nào tui chia tiền công ngày đó để họ tiêu xài vì quá nghèo mới đi cấy mướn, mình từng trải qua nên biết cảnh khổ của họ mà chia sẻ”- bà Lịch nói.
Bây giờ, gần hết số thành viên trong “tập đoàn” cấy lúa mướn của bà Lịch đều dần thoát cảnh nghèo. Bà Nguyễn Thị Xinh, 48 tuổi, ở ấp Phú An 1, xã Bình Hòa, tâm sự: “Đối với gia đình tui thì ân tình của bà Ba Lịch quá tràn trề. Quê tui ở Ô Môn, Cần Thơ. Do vợ chồng nghèo, còn nuôi mẹ già, nên 17 năm trước phải bồng 4 đứa con bỏ nhà để tha phương cầu thực trên chiếc ghe nhỏ. Khi gặp được bà Ba Lịch, bà kêu tui cứ ở lại đây, đưa tui vô đoàn cấy, chỉ nghề rồi còn cho mượn tiền. Thấy tui sống dưới ghe, bà đi hỏi hàng xóm mượn nền đất, rồi vận động tiền mua cây lá che chòi cho mẹ con tui ở nhờ. Bà đối xử với nhân công tình cảm lắm! Chẳng giàu có gì nhưng ai mượn tiền bà đưa liền. Mấy đứa con tui hiện cũng gia nhập “tập đoàn” của bà Ba Lịch đi cấy lúa hết. Vào vụ, 4 mẹ con cũng dư mỗi ngày 700.000 đồng. Nhờ đó gia đình tui thoát cảnh nghèo, 3 năm trước mua được đất nền, xe, rồi nhờ bên từ thiện của xã cất cho căn nhà lành lặn. Bà ấy giúp người vô tư lắm, gia đình tui không thể nào quên ơn nghĩa đó”.
Còn ông Lê Thanh Tùng, 49 tuổi, ngụ ấp Phú An 2, cho biết: “Nhà tui trước đây không có cục đất chọi chim. Năm ngoái gia đình chuyển sang cấy lúa cho đoàn của chị Ba Lịch. Chỗ chị Ba không hề ăn hoa hồng như đoàn cấy lúa thuê khác. Chuyện chị cho anh em trong đoàn cấy mượn tiền không lấy lãi là thường xuyên. Tiền công trả cũng cao hơn chỗ khác, nhờ đó tui mới có dư chút đỉnh. Những ngày mưa gió, không đi cấy được, chị Ba liền cho mỗi người 100.000 đồng đổ xăng để về”.
HẠNH NGUYỄN