
Một số cán bộ cách mạng lão thành và người dân huyện Phong Điền tố cáo ông Nguyễn Viết Hoạch, chủ tịch UBND huyện này lạm dụng quyền hạn trục lợi qua việc chiếm giữ, cấp lại hàng trăm héc ta đất rừng, đất ở và vay vốn ngân hàng trái phép. Nội dung tố cáo đã được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy TT-Huế kết luận là có cơ sở. Tuy nhiên, đến nay cá nhân ông Hoạch vẫn chưa bị xử lý, khiến người dân hết sức bất bình.
Thao túng đất rừng

Từ năm 1990 đến nay, có 27 dự án hỗ trợ người nghèo (nguồn vốn của Chính phủ và địa phương) được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Phong Điền. Trong đó, có nhiều dự án liên quan đến việc trồng rừng và cây mía (cung cấp cho Nhà máy đường KCP của Ấn Độ năm 1993). Chính quyền địa phương đã phát động người dân khai hoang trên 1.000ha đất thuộc vùng đồi núi trọc và rừng nghèo của 4 xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ và Phong Thu.
Năm 1994, Nhà máy đường KCP giải thể, toàn bộ diện tích này bị bỏ hoang. Một số cán bộ huyện, trong đó có ông Hoạch đã chiếm phần lớn diện tích đất trên. Năm 2003, khi dự án trồng cao su tiểu điền triển khai tại địa phương, số cán bộ này liền hợp thức hóa diện tích đất chiếm được bằng cách cấp cho người nhà để trồng cao su theo… nhu cầu (!). Cụ thể, vợ ông Hoạch được cấp 5ha, em gái của ông Hoạch là Nguyễn Thị Nguyệt được cấp 2,6ha…
Năm 2004, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn triển khai dự án trồng rừng (viết tắt là WB3) với tổng nguồn vốn 32,71 triệu USD, giúp dân nghèo ở 21 huyện của 4 tỉnh miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) phát triển kinh tế.
Tỉnh TT-Huế được ưu tiên triển khai tại 5 huyện, trong đó có Phong Điền với quy mô 5 xã là Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ và Phong Thu. Từ tháng 11-2005 đến nay, ngoại trừ Phong An (do chưa quy hoạch được đất rừng), 4 xã còn lại đã được Ngân hàng chính sách chi nhánh huyện Phong Điền (đơn vị quản lý và cho vay vốn WB3) giải ngân gần 2,7 tỷ đồng, với 153 hộ gia đình, cá nhân vay vốn.
Do lãi suất thấp - 0,5% - và 1ha đất rừng được vay tối đa 10 triệu đồng nên một số cán bộ huyện Phong Điền ngoài việc thao túng đất trồng rừng còn lợi dụng dự án WB3 để vay hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, trong số 153 gia đình, cá nhân vay vốn nói trên, có tới 31 cán bộ huyện, người nhà của cán bộ huyện và chủ các doanh nghiệp ở Phong Điền. Trong đó, phải kể tới con trai của ông Hoạch là Nguyễn Viết Hoàng có hộ khẩu thường trú ở TP Huế, vay 230 triệu đồng với lý do trồng rừng trên diện tích 26,36ha; vợ Hoàng là Trương Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) cũng vay với số tiền lớn với lý do trồng rừng trên diện tích 10,25ha.
Nguyễn Viết Hoàng còn “xin” giao thêm 10,63ha đất trồng rừng tại xã Phong Sơn và đã được Ban quản lý Dự án WB3 đo đạc, hoàn tất thủ tục cách đây hơn 1 tháng. Bên cạnh đó, con trai thứ 2 của ông Hoạch là Nguyễn Viết Hà, công tác tại Sở Nội vụ tỉnh TT - Huế cũng “chiếm” 9,6ha đất trồng mía đường trước đây để làm trang trại? Nhưng khi có Dự án WB3 triển khai trên địa bàn huyện, Hà liền làm thủ tục đăng ký với ban quản lý dự án chuyển 9,6ha đất trên sang trồng rừng, mục đích vay vốn lãi suất thấp.
Không chỉ trục lợi cho cá nhân và người nhà, thời ông Hoạch làm chủ tịch huyện Phong Điền còn cấp rất nhiều đất trồng rừng cho gia đình ông Hoàng Bằng, Giám đốc Công ty cổ phần 1-5. Cụ thể, ông Bằng được cấp gần 24ha, vợ ông Bằng là Phạm Thị Chi 26ha, mẹ ông Bằng là Hồ Thị Beo (70 tuổi) 29,97ha... Năm 2006, UBND huyện Phong Điền còn tiếp tục cấp cho các thành viên còn lại trong gia đình ông Hoàng Bằng với tổng diện tích 37,86ha. Ông Bằng cũng đã lợi dụng dự án WB3 để vay ngân hàng chính sách hàng trăm triệu đồng…
Lắm tiền, nhiều đất
Theo xác minh của cơ quan chức năng, cả gia đình ông Hoạch (gồm vợ chồng, con cái) có 8 lô đất tại Phong Điền và TP Huế. Mới đây, ông Hoạch xây dựng một ngôi biệt thự rất bề thế theo lối nhà rường cổ trên diện tích 2.889m tại thôn Vĩnh Nguyên. Năm 1988, ông Hoạch tự ý định cư trên khu đất sát với nhà anh Cao Xuân Thỉ (đã ở trước đó 3 năm), tại thôn Thượng Trạch, thị trấn Phong Điền.
Năm 1993, khi ông Hoạch làm Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, mảnh đất trên được cấp cho ông, với diện tích 480m2. Tuy nhiên, hơn một nửa diện tích này đã lấn vào khu đất mà anh Thỉ đã định cư trước đó. Tranh chấp kéo dài, sau nhiều lần ông Hoạch mời anh Thỉ đến… nhượng bộ, đến nay anh Thỉ vẫn không đồng ý.
Ngoài ra, con trai ông Hoạch là Nguyễn Viết Hà và vợ là Hoàng Thị Thủy đã sở hữu một lô đất 94m2 ở đường Đặng Tất (TP Huế) và đã xây nhà ở từ năm 2004 nhưng vẫn được UBND huyện Phong Điền cấp thêm một lô đất 240m2 tại thôn Tân Lập, thị trấn Phong Điền.
Dù đã có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhưng mới đây, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi “Tỉnh ủy sẽ xử lý như thế nào những sai phạm của ông Nguyễn Viết Hoạch” mà chỉ cho biết… “sẽ xử lý nội bộ”.
PHAN HÀ LINH