Những ngày qua, đoàn công tác của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã làm việc với các tổng công ty, đơn vị kinh tế chủ lực của TP nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Theo Chủ tịch UBND TPHCM, đây còn là dịp để lãnh đạo TPHCM “tổng rà soát hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lớn ở TPHCM”. Phóng viên Báo SGGP đã đề nghị Chủ tịch UBND TP giải đáp về những vấn đề dư luận quan tâm.
- Phóng viên: Qua chương trình làm việc, đặc biệt là buổi làm việc tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, đồng chí nhận định như thế nào về tốc độ phát triển ngành công nghiệp TP nói chung?
Chủ tịch UBND TPHCM LÊ HOÀNG QUÂN: TPHCM đang tập trung thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành công nghiệp TP đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Tháng 10 này, giá trị sản xuất công nghiệp TP đạt khoảng 56.126 tỷ đồng, tăng đến 14,9% so với cùng kỳ. Có những tháng, giá trị sản xuất công nghiệp TPHCM cao hơn bình quân cả nước. Điều này minh chứng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP đã mang lại kết quả nhất định.
- Nhưng thưa đồng chí, để GDP của TPHCM phát triển bền vững, đòi hỏi sản phẩm công nghiệp của TP phải là sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám cao?
Tôi đánh giá ngành công nghiệp TP đã dần phát triển đi vào chiều sâu. Đơn cử: giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 10-2010 tăng trưởng 14,9%, tỷ lệ sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất xám cao chiếm từ 30% - 40%, thậm chí có những lĩnh vực chiếm đến 60%. Thời gian qua, doanh nghiệp TP, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, dù đối diện với tình hình kinh tế khó khăn chung nhưng doanh nhân đã nỗ lực hết mình, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà còn đạt mức độ tăng trưởng khá ấn tượng. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn chưa bằng lòng với kết quả đạt được mà phải cố gắng phấn đấu để đạt kết quả cao hơn nữa.
- Theo đồng chí, đâu là yếu tố quyết định để ngành công nghiệp TP tăng trưởng đột phá?
Với nhiệm vụ của mình, lãnh đạo TP sẽ quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tạo các điều kiện về vốn, đất đai… để doanh nghiệp phát triển. Như mới đây, TP đã quyết định hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu để Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn xây dựng nhà máy sản xuất cọc vách nhựa theo công nghệ mới uPVC để chống triều cường. Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, để tồn tại và phát triển đột phá, không còn cách nào khác phải đầu tư mạnh trang thiết bị, công nghệ hiện đại để có sản phẩm giá cả cạnh tranh. Song song đó là giải quyết các vấn đề cũng mang tính sống còn như: nguồn nhân lực chất lượng cao, phương pháp quản lý hiệu quả, tìm kiếm đối tác, thị trường… Khi giải quyết tốt những vấn đề này sản phẩm làm ra mới đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
- Nhưng thưa đồng chí, để tạo ra sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất xám cao cũng đồng nghĩa với việc phải giải quyết câu chuyện “chảy máu chất xám”?
Đây là một thực tế! Chúng ta cố gắng hạn chế “chảy máu” chất xám. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo TP và cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải xem người lao động là tài sản quý giá của mình, nên ngoài việc cố gắng trả lương tương xứng với trình độ, năng lực, cần có chính sách đãi ngộ tốt, phải tạo điều kiện cho công nhân nâng cao trình độ, quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như nơi ăn chốn ở… cho họ.
Việc huy động nguồn vốn trong nội bộ là một trong những giải pháp quan trọng, không chỉ tạo thêm nguồn tiền mặt cho doanh nghiệp mà còn góp phần giải quyết tình trạng “chảy máu” chất xám. Khi người công nhân, viên chức tham gia góp vốn vào hoạt động của đơn vị, họ sẽ có điều kiện tăng thu nhập, đồng thời có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện công khai, minh bạch.
- Xin cảm ơn đồng chí.
TPHCM: Hỗ trợ 50 tỷ đồng vốn kích cầu cho ngành công nghiệp cao su Ngày 4-11, đoàn công tác do Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân dẫn đầu đã làm việc với Công ty TNHH một thành viên Cao su Thống Nhất (trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn); thị sát các nhà máy sản xuất của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn tọa lạc tại cụm công nghiệp Tân Quy (huyện Củ Chi). Theo kế hoạch, tháng 12-2010, các nhà máy này sẽ đi vào hoạt động. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã quyết định hỗ trợ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn 50 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu của TP để đơn vị này đầu tư, trang bị máy móc hiện đại. |
V.Anh - L.Phong thực hiện