(SGGP).- Ngày 12-3, tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang, chùa Bổ Đà tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà và Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự lễ và trao bằng chứng nhận.
Chùa Bổ Đà là di tích tiêu biểu của huyện Việt Yên - Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016. Chùa Bổ Đà là nơi tu hành của các tăng ni và đào tạo các tăng đồ theo Thiền phái Lâm Tế trong hơn 300 năm. Đặc biệt, tại chùa Bổ Đà đang bảo lưu 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính. Chùa tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc sông Cầu, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên.
Lối vào chùa Bổ Đà cổ kính, rêu phong. Ảnh: bacgiang.gov.vn
Gắn liền với di tích chùa Bổ Đà là lễ hội chùa Bổ Đà (còn gọi là hội Chùa Bổ) - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - lễ hội được tổ chức từ ngày 15 đến 19 tháng Hai (âm lịch) hàng năm là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa. Tại lễ hội, cùng với những cuộc tế lễ trang nghiêm, thành kính, còn nhiều trò chơi dân gian và còn là dịp để các liền anh, liền chị quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên thông qua các trại hát quan họ.
Cùng ngày tại tỉnh Đắk Lắk, đã diễn ra lễ hội đua voi và thuyền độc mộc trên hồ Lắk, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk. Hội thi lần này có sự tranh tài của 13 chú voi, do các nghệ nhân voi điều khiển. Ở nội dung voi thi chạy trên cạn, giải nhất thuộc về chú voi Khăm Sen của ông Y Gah (ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn), giải nhì thuộc về voi Mtâo của ông Y Nap Triêk (ở buôn Cuôr, thị trấn Liên Sơn). Ở nội dung voi thi chạy dưới nước, giải nhất thuộc về chú voi Kăm Făn của bà H’Dje Gah (ở buôn Ea R’bin, xã Ea R’bin, huyện Lắk), giải nhì thuộc về voi Thông Răng của bà H’An (ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn).
Ở nội dung đua thuyền độc mộc trên hồ Lắk 2 vận động viên và 4 vận động viên. Ở cả 2 nội dung thi trên, giải nhất đều thuộc về đội thuyền của ông Y TLấp (ở buôn Jun, thị trấn Liên Sơn).
Cùng ngày, Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai đã tổ chức chương trình phục hồi lễ hội cúng nhà rông của người Bahnar. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.
Người Bahnar (sinh sống tại làng Mơhra, thuộc xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) quan niệm, lễ cúng nhà rông là biểu tượng của cộng đồng, cũng là dịp để cảm tạ thần linh đã ủng hộ, giúp đỡ buôn làng trong thời gian vừa qua, xin được bình an và phát triển trong thời gian tới. Sau 3 năm kể từ ngày nhà rông mới được dựng lên, nếu trong làng không có sự việc nào đáng tiếc xảy ra, vào thời gian nông nhàn, buổi lễ sẽ được diễn ra trong 3 ngày.
Ngày 12-3, tại khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra lễ khai hội Tây Thiên năm 2017. Lễ hội được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ công ơn của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu - Chính vương phi của Hùng chiêu vương thứ VII. Bà đã có công giúp vua chiêu binh mãi tướng, luyện tập quân sĩ, đánh đuổi quân giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn. Bà đã dạy dân trồng lúa, nuôi tằm dệt vải. Tại lễ hội năm nay, ngoài các nghi thức truyền thống còn có các hoạt động như múa xênh tiền, nghe hát Soọng cô, giao lưu văn nghệ, hát chèo, hát chầu văn...
Sáng 12-3, Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng và UBND quận Hải Châu TP Đà Nẵng tổ chức công bố quyết định phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu di tích Thành Điện Hải.
Thành Điện Hải được xây dựng lần đầu dưới thời Gia Long thứ 12 năm 1813. Năm 1823, năm Minh Mạng thứ 4 cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao, được xây bằng gạch và đến năm Minh Mạng thứ 15, đồn được đổi tên là Thành Điện Hải. Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng, gắn liền với tên tuổi danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng quân và dân Đà Nẵng đã đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Thành Điện Hải được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia ngày 16-11-1988 và được gắn bia di tích ngày 25-8-1998.
NHÓM PV