Chưa đủ liều lượng?

Tuần họp đầu tiên kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã được cử tri cả nước quan tâm sâu sắc. Điều này cũng bình thường, bởi trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, người dân muốn biết các đại biểu dân cử nhìn nhận vấn đề như thế nào, có kiến giải gì để góp phần tháo gỡ khó khăn nền kinh tế, nâng cao mức sống nhân dân.

5 năm qua kinh tế nước ta luôn đối mặt với bất ổn và đến nay vẫn chưa đến điểm dừng. Nền kinh tế rơi vào vòng luẩn quẩn: chống lạm phát - tăng trưởng suy giảm - nới lỏng - tăng lạm phát - chống lạm phát - kinh tế suy giảm…

Những chỉ báo trong 5 tháng đầu năm 2013 tiếp tục cho thấy nền kinh tế vẫn chưa chạm đáy để bắt đầu tiến trình phục hồi. Mới nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2013 giảm 0,06% so với tháng trước và tính từ đầu năm đến nay chỉ tăng 2,35%.

Trái với dự đoán, cho rằng kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua có thể tác động tăng giá mạnh. Tuy nhiên CPI nhóm văn hóa, giải trí, du lịch chỉ tăng nhẹ (0,23%); nhóm hàng ăn - dịch vụ ăn uống - lương thực, thực phẩm đều giảm.

Trong tháng 5, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ vẫn tiếp tục xu hướng giảm như diễn biến từ đầu năm đến nay, chứng tỏ sức mua của người dân yếu dần, kiệt quệ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng đầu năm nay tăng 5,2%, thấp hơn mức tăng 6,2% cùng kỳ năm trước…

Tại Quốc hội, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) bày tỏ bức xúc: Nhiều vấn đề tồn tại kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, trong khi các giải pháp thì lặp đi lặp lại. Cụ thể, nông nghiệp được xác định là “trụ đỡ” an sinh xã hội trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào suy giảm các năm qua, đến nay vẫn chưa giải quyết căn cơ đầu ra sản phẩm, vẫn cảnh “được mùa, rớt giá”, đẩy thế khó về phía nông dân. “Báo cáo của Chính phủ không phân tích rõ nguyên nhân, địa chỉ trách nhiệm. Tôi thấy báo cáo trước Quốc hội như vậy là không ổn” - ĐB Quyết Tâm phát biểu.

Thực tế các giải pháp gỡ khó nền kinh tế triển khai, tác động vào sản xuất kinh doanh, vực dậy nền kinh tế diễn ra rất chậm chạp. Đầu năm 2013, trước tình hình kinh tế bất ổn, ngày 7-1-2013 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Đây là những vấn đề rất lớn nhằm giải tỏa ách tắc, khai thông các điểm nghẽn trong nền kinh tế nhưng chỉ đến khi sát kỳ họp Quốc hội lần này, ngày 15-5 NHNN Việt Nam và Bộ Xây dựng mới công bố thông tư (số 11/2013) quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Riêng về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ngày 18-5-2013 Chính phủ mới ký nghị định (số 53/2013/NĐ-CP) ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 9-7-2013.

Việc đón nhận các “gói hỗ trợ” trên thực tế cũng chưa tạo “tin tốt” kích hoạt thị trường. Các chuyên gia phân tích: Gói 30.000 tỷ đồng NHNN đưa ra chỉ hỗ trợ thị trường bất động sản ở mức độ nào đó, bởi gói tín dụng này chỉ dành riêng cho những người thu nhập thấp mua nhà và chủ đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, tồn kho bất động sản của cả nước lên đến 42.230 căn; giá đất nền so với cuối năm 2012 đã giảm trung bình 20% trở lên tuy nhiên giao dịch vẫn ảm đạm.

Về xử lý nợ xấu theo Nghị định 53, VAMC sẽ mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng, trả tiền thông qua hình thức phát hành trái phiếu với lãi suất 0%. Trái phiếu VAMC có thời hạn 5 năm, mỗi năm ngân hàng bán nợ phải trích lập 20%; sau 5 năm nếu nợ xấu chưa được VAMC xử lý (không bán được) thì ngân hàng phải mua lại trái phiếu của mình. Như vậy, có thể hiểu VAMC chỉ đóng vai trò là một cơ chế giãn nợ trong việc xử lý nợ xấu và làm sạch bản cân đối kế toán hiện nay. Còn rủi ro các khoản nợ xấu và trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc các ngân hàng thương mại trong việc xử lý nợ mình gây ra!

Hiện nay mọi người đều thừa nhận dấu hiệu suy giảm nền kinh tế đã rất rõ ràng. Ngoài việc GDP đạt thấp so với các năm trước, tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản cũng chưa được chặn đứng. Tại khu vực nông thôn thì nông dân chịu thiệt hại kép do giá lương thực, thực phẩm ngày càng rẻ, khó tiêu thụ nhưng các khoản chi phí cứ tăng: đầu vào sản xuất, các dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu... Tình thế đang đặt ra vấn đề nóng bỏng: Những giải pháp gỡ khó nền kinh tế thời gian qua đã đủ liều lượng chưa và phải làm gì để thực sự vực dậy sản xuất kinh doanh, niềm tin thị trường?

Người dân dõi theo diễn đàn Quốc hội đã ghi nhận nhiều ý kiến đáng chú ý: ĐB Trần Du Lịch đề nghị không nên quá câu thúc tới các chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể mà phải vực dậy nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, bằng việc xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế trong 3 năm 2013 - 2015.

ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất lập ủy ban quốc gia để đối phó với suy giảm kinh tế, giải quyết tình trạng phá sản doanh nghiệp, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và đề nghị “cứu nông dân, cứu nông nghiệp phải song hành với cứu doanh nghiệp”. TS Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng Quốc hội cần mạnh dạn ban hành nghị quyết về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thậm chí ban hành riêng từng nghị quyết đối với từng lĩnh vực để có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn...

Quả là những vấn đề nóng bỏng đang phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Và cử tri mong đợi tại kỳ họp này với nhiều nội dung quan trọng, các vấn đề bức xúc nêu trên sẽ được bàn luận thấu đáo, có đáp án sát hợp thực tế để vực dậy nền kinh tế, niềm tin thị trường.


LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục