Chưa kiểm soát được việc kê khai tài sản

Ngày 3-9, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với Thường trực Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy trong thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, đảng viên.

(SGGP).- Ngày 3-9, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với Thường trực Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy trong thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, đảng viên.

Đánh giá về công tác nói trên, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy Trần Văn Thuận cho biết: “Trong năm 2014 có 107/107 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc kê khai với tổng số 36.317 người đã kê khai. Qua thực hiện kê khai và công khai kê khai tài sản, chưa có trường hợp phải tiến hành xác minh tài sản, thu nhập”. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Văn Thuận, công tác này hiện vẫn còn nhiều bất cập. Một trong số đó là việc xem xét, kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng về nội dung trong bản kê khai, nhất là nội dung giải trình đối với các khoản thu nhập tăng thêm ít được chú ý và coi trọng. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh, kiểm tra bản kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện quản lý, nhất là đối với các bị can, bị cáo trong các vụ án tham nhũng. Ngoài ra việc tổ chức triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo tinh thần Chỉ thị 33-CT/TƯ của Bộ Chính trị còn gặp nhiều bất cập, trong đó có nguyên nhân chính là do chưa có quy định thống nhất của pháp luật đối với công tác này.

Bên cạnh đó, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM Nguyễn Minh Trí, việc trung thực trong kê khai tài sản cũng khó kiểm tra, đánh giá cho đúng. Việc theo dõi sự tăng, giảm thu nhập và tài sản lại càng khó thực hiện. Việc đánh giá kê khai tài sản khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cũng khó kiểm tra trước và sau bổ nhiệm. Nếu không kiểm tra, giám sát, cập nhật, quản lý, theo dõi và xử lý thông tin từ kê khai tài sản so với thu nhập của cán bộ thì việc kê khai tài sản sẽ trở thành hình thức.

Ghi nhận các ý kiến, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, nhiều nơi còn lúng túng trong triển khai; việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng hình thức do chỉ dựa vào ý thức tự giác của cán bộ, công chức, viên chức; việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát của các cơ quan chức năng về nội dung bản kê khai còn hạn chế. Khẳng định việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, đồng chí yêu cầu các cấp ủy cần nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định của trung ương và hướng dẫn của thành phố. Có biện pháp hữu hiệu phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và người dân trong thực hiện công tác này. Cần xác định rõ việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu hàng năm.

Về việc công khai, phải tổ chức công khai, minh bạch các bản kê khai tài sản của đảng viên thuộc diện kê khai trong sinh hoạt chi bộ. Các cấp ủy cần đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xác minh tài sản theo phân cấp quản lý trong các trường hợp có tố cáo người thuộc diện phải kê khai tài sản mà không trung thực; phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nghiêm túc xử lý những hành vi vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về kê khai và kiểm soát việc kê khai.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục