Chưa như kỳ vọng

Càng gần đến Tết Nguyên đán, một số loại nông thủy sản đặc hữu của vùng ĐBSCL được mùa, giá tăng, khiến nông dân khấp khởi vui mừng. Phía nhà vườn Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An… giá bưởi Năm Roi và quýt hồng tăng từng ngày do thị trường đang chuộng; vùng ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… nông dân trúng tôm thẻ chân trắng do xuất khẩu thuận lợi (năm nay, xuất khẩu tôm của nước ta lần đầu tiên cán đích 3 tỷ USD). Một số loại hàng hóa chuyên phục vụ tết như bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng… đều có giá cao nhưng số lượng hạn chế, nhỏ lẻ, chưa phản ánh được đầy đủ đời sống nông nghiệp nông thôn hiện nay.

Nhìn rộng hơn, bức tranh kinh tế nông nghiệp không chỉ có gam màu sáng. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết: Năm 2013 là năm không thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu. Nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới luôn có xu hướng giảm từ giữa năm 2012 ở các quốc gia nhập khẩu nông sản chính từ Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines… Hầu hết các loại nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, sắn, cá tra đều có khối lượng và giá trị xuất khẩu giảm so với năm 2012.

Tiêu thụ trong nước cũng gặp khó khăn, nguyên nhân chính là do các loại nông sản như lúa gạo, cá tra, cà phê… xuất khẩu giảm và sức mua trong nước giảm, một số mặt hàng phải cạnh tranh với hàng nhập lậu như thịt heo, gia cầm, đường...

Xuất khẩu gạo là một ví dụ. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của cả năm 2013 chỉ đạt khoảng 6,6 triệu tấn, giảm đến hơn 1,1 triệu tấn so với năm 2012. Giá xuất khẩu lại giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Giá giảm không chỉ khiến nông dân trồng lúa lao đao mà doanh nghiệp xuất khẩu cũng đứng ngồi không yên. Ngành mía đường cũng vậy, lượng đường tồn kho lớn, giá thu mua mía giảm, nhiều nơi nông dân đã rục rịch bỏ mía để chuyển sang trồng các loại cây khác để tăng thu nhập.

Năm 2013 cũng là năm khó khăn cho sản xuất cá tra khi người nuôi cá liên tục bị thua lỗ, diện tích thả nuôi cá tra trong dân dần bị thu hẹp, nhiều hộ phải bán ao cho doanh nghiệp do chi phí nuôi cá tăng cao trong khi giá cá ở mức thấp trong thời gian dài. Hiện nay, người nuôi cá tra vẫn chưa hết khó khi giá cá tra nguyên liệu chỉ dao động từ 21.000 - 23.500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lại ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg. Chuyện con cá tra là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn chưa tìm được hướng ra. Đây là mặt hàng thủy sản chiến lược quốc gia, lại là mặt hàng độc quyền của Việt Nam trên thị trường thế giới, nhưng cứ vấp hết khó khăn này lại đến khó khăn khác, dù Chính phủ, các bộ ngành trung ương và các địa phương, hiệp hội… đã tổ chức không biết bao nhiêu là hội nghị, hội thảo bàn giải pháp, nhưng vẫn chưa tìm ra được lời giải cho bài toán con cá tra.

Cũng tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành nông nghiệp vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém như tăng trưởng đang chậm lại (năm 2011 là 4%, năm 2012 là 2,68%, năm 2013 khoảng 2,67%) trong khi cầu và giá nhiều nông sản giảm mạnh như giá gạo giảm 18,7%, cà phê giảm 26,6%, cao su giảm 11,7%. Hơn nữa, những hạn chế, yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp đã từng bước bộc lộ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Sự hình thành và phát triển của phương thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp còn chậm. Thủ tướng đề nghị trong năm 2014 ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp.

Theo đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với việc hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng... Rõ ràng đây là những đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ để nông nghiệp - nông thôn phát triển bền vững, nâng cao đời sống nông dân.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục