Tọa đàm về văn xuôi 8X

Chưa tìm được tiếng nói chung!

Chưa tìm được tiếng nói chung!

Ban công tác nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức cuộc tọa đàm về hai tập truyện ngắn được dư luận quan tâm thời gian qua - Truyện ngắn 8X, NXB Hội Nhà văn và Vũ điệu thân gầy, NXB Trẻ - với sự tham dự của nhiều cây bút trẻ, một số nhà phê bình văn học cùng nhiều độc giả đồng trang lứa. Tuy không tìm được tiếng nói chung song cuộc tọa đàm phần nào phản ánh những trái ngược thú vị giữa các tác giả trẻ và nhà phê bình.

Độc giả phê bình: Vẫn đi vào bế tắc!

Chưa tìm được tiếng nói chung! ảnh 1

Các sinh viên khoa sáng tác - lý luận phê bình văn học (trường ĐH viết văn Nguyễn Du cũ) nay thuộc ĐH Văn hóa, đã đọc tham luận về hai tập truyện ngắn, với những cảm nhận khá phong phú về hơi hướng chung, cũng như một vài điểm đáng chú ý của một số tác giả. Nhìn nhận chung là các cây bút trẻ đã đẩy nhanh tốc độ truyện, sử dụng ngôn ngữ thông dụng của đời sống, khai thác yếu tố sex như những phương tiện biểu đạt… 

Có ý kiến cho rằng, kết thúc các tác phẩm đi vào bế tắc, các tác giả chưa vào được quỹ đạo (?!) trong thời điểm đời sống văn học hiện nay, các phong cách mới chưa định hình và phong cách trước kia đã trở nên cũ kỹ. Sinh viên Hoàng Hoàng cho rằng, các cây bút trẻ cố đưa ra cái nhìn mới trước cuộc sống đơn giản, quen thuộc.

Họ mới chỉ đang kể chuyện và cách kể chưa thành công, lại chưa có những chi tiết gây ám ảnh v.v… Nhà phê bình Văn Giá thể hiện tiếc nuối khi chưa thấy ở hai tập truyện ngắn những cảm xúc và điều mong muốn, có thể “sờ” tới tận đáy. Các truyện ngắn cố dụng công ở phần kết nhưng đều nhẹ, mơ hồ và không tạo được nghĩa mới. Tác giả cho rằng, nguyên nhân gốc bắt nguồn từ việc các cây bút trẻ mới chỉ phơi bày cái tôi nóng nảy, sốt sắng, cố thủ trong cảm hứng tự tôn thái quá, chăm chú tìm cái khác lạ ở đề tài chứ chưa ở nghệ thuật tự sự, chưa đủ mạnh dạn để đạt được tính dân chủ và đối thoại trong sáng tạo.

Tác giả lý giải: Không hiểu vì mới chỉ “mơn man”!

Đó là phát biểu của cây bút Từ Nữ Triệu Vương, người tổ chức tập hợp hai tập truyện trên, tác giả “Em xinh không” trong Truyện ngắn 8X và “Rỗng”- Vũ điệu thân gầy. Theo Triệu Vương, thời gian qua, các nhà phê bình và một số báo chí mới chỉ “mơn man” bên ngoài những bộ quần áo mỏng, họ chưa hiểu các tác giả và còn áp đặt. Thậm chí so sánh họ với những người viết “trước kia” để chỉ ra những cái còn non kém, trong khi không chịu chỉ ra những người “trước kia” là ai?

Tác giả Phạm Hương Giang cho rằng: Chúng tôi cũng có nhiều cái không hay nhưng các nhà phê bình cũng không chỉ ra được những cái đó. Các sinh viên Khoa Sáng tác - Lý luận Trường ĐH Văn hóa mới được học và đọc nên chưa có nhiều kiến thức để phê bình. “Chúng tôi không có ý đại diện cho ai cả và nếu các bạn không hiểu được tư tưởng trong đó thì thôi!”, tác giả Triệu Vương tỏ vẻ gay gắt khi đáp trả nhận xét của một độc giả trẻ đến từ Khoa Văn - Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội khi đã có ý phê phán cho rằng truyện ngắn của các tác giả chưa có tư tưởng và chưa thể đại diện cho 8X.

Gọi là cuộc tọa đàm về  hiện tượng văn học, nhưng hơi tiếc là công tác tổ chức của Ban công tác nhà văn trẻ còn hơi sơ sài. Ngoài những gương mặt của Khoa Sáng tác - Lý luận phê bình văn học, lý ra nên có đông đảo hơn các sinh viên đến từ các Khoa Văn, Ngữ văn của một số trường ĐH tại Hà Nội. Cuộc tọa đàm cũng thiếu vắng nhiều tác giả thuộc lứa trên để có thể trao đổi, góp ý cho các tác giả hai tập truyện ngắn với vai trò đồng nghiệp, đồng thời đưa ra những nhận định từ góc nhìn của người sáng tác.

Tuy nhiên, có một mâu thuẫn lớn, là các nhà phê bình đã chưa tìm ra được điểm mạnh thực sự cũng như điểm yếu cốt tử của các cây bút trẻ này, còn một số cây bút trẻ cũng chưa thực sự cởi mở và cầu thị với giới phê bình. Chính vì thế, “văn xuôi 8X” sẽ còn là chủ đề của nhiều cuộc tọa đàm khác….

MAI AN

Tin cùng chuyên mục