Chuẩn bị cho 5G, không phải là quá sớm

Trao đổi tại hội thảo quốc tế 4G/5G vừa diễn ra tại Hà Nội, một số ý kiến cho rằng, tại Việt Nam, giữa lúc 4G mới phát triển, chưa tận dụng hết thì nói đến 5G liệu có phải là quá sớm? Chủ đề này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia viễn thông.
Quang cảnh cuộc hội thảo. Ảnh TRẦN BÌNH
Quang cảnh cuộc hội thảo. Ảnh TRẦN BÌNH

Nhiều ý kiến cho rằng để khẳng định là sớm hay muộn cần nhìn vào thực tế phát triển của Việt Nam, nhu cầu ứng dụng hiện tại và tương lai cũng như đặt vào xu hướng phát triển chung của thế giới. Các chuyên gia viễn thông cho biết,  đến cuối năm 2019, trên thế giới mạng 5G sẽ chính thức được thương mại hóa. Vì vậy, ngay từ bây giờ chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển 5G. Ông Mohamed Madkour, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị mạng không dây, Giám đốc thị trường toàn cầu Huawei, bày tỏ sự ấn tượng khi 4G được triển khai nhanh chóng tại Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn. Đó có thể xem là bước nhảy vọt, sẵn sàng cho việc tiến lên triển khai 5G. Ông Mohamed Madkour cho rằng, công nghệ 5G có tốc độ cao gấp hàng chục lần 4G, độ trễ thấp, tính tin cậy cao hơn… Chính vì thế, đặt trong xu thế phát triển hiện nay, Việt Nam cần phải chuẩn bị để hướng tới 5G trong tương lai và đây không còn là điều quá sớm.

Trong khi đó, bà Julie Welch, Phó Chủ tịch khối Quan hệ chính phủ, Qualcomm khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Thái Bình Dương cho hay, tại Việt Nam trong năm 2017, 40% smartphone bán ra thị trường có khả năng kết nối 4G. Năm 2018 dự kiến con số này sẽ tăng lên 55%. Cùng đó Internet phát triển mạnh mẽ, là cơ hội để Việt Nam tiến lên 5G. “Nếu không muốn tụt hậu, Việt Nam cần xem xét đến việc phát triển 5G để bắt kịp xu hướng. Các nhà mạng phải thiết kế để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đón đầu xu hướng công nghệ không thể đảo ngược của toàn thế giới”, bà Julie Welch nhận định.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần nhìn nhận sự phát triển 5G là xu hướng tất yếu ở mức cao hơn để đem lại nhiều cơ hội phát triển hơn. Trong đó, đặc biệt là cần chú trọng đến sự phát triển dịch vụ hài hòa ở từng khu vực khác nhau như nông thôn, thành phố, các đối tượng người dùng khác nhau. Đáng chú ý, các chuyên gia cũng lưu ý việc tiến lên 5G không phải là bỏ đi các công nghệ, hạ tầng cũ đã sẵn có gây lãng phí. Tại quốc gia này đang có công nghệ 2G, 3G, 4G hiện đều đã và đang xem xét đến sự phát triển 5G. Hầu hết các chuyên gia viễn thông quốc tế đều cho rằng, với việc các công nghệ và tiêu chuẩn 5G sớm được thiết lập, các hệ thống mạng 5G thương mại sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn cầu vào năm 2020. Tại Việt Nam, muộn nhất là khoảng năm 2022 câu chuyện này sẽ trở thành hiện thực. Vì vậy, cho dù cần có thời gian để phát triển các hệ thống mạng 5G, thì ngay từ bây giờ các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam có thể bắt đầu xây dựng các năng lực để hỗ trợ các dịch vụ 5G trong tương lai. Ngay chính bây giờ, thời điểm thích hợp để Việt Nam bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển 5G. Đây không phải là câu chuyện “còn quá sớm”, mà nó là sự chuẩn bị để không phải lo về sau. Bởi so với nhiều quốc gia, Việt Nam triển khai 4G là khá chậm so với nhiều nước trong khu vực, với 5G, cần phải bắt nhịp và triển khai kịp thời với các quốc gia cận kề.

Các thống kê cho biết, trong năm 2017, tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống của mạng 4G tại Việt Nam là 35 - 37Mbs, tương đương cao gấp 3,5 - 4,5 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện tại, góp phần nâng tổng dung lượng Internet di động đi quốc tế đạt 5,4Gb/s (tăng 1,5 lần so với năm 2016). Sau 18 tháng triển khai chính thức, mạng 4G đã đạt độ phủ 95% dân số và 71,26% diện tích lãnh thổ Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia, tiềm năng thị trường 4G tại Việt Nam còn rất lớn, thể hiện qua một số số liệu thống kê như có tới 76,4 triệu thuê bao 2G hoặc 41,5 triệu thuê bao 3G có thể chuyển đổi thành thuê bao 4G. Việc mở rộng băng thông di động, phát triển 3G, 4G mang lại những hiệu quả kinh tế, lợi ích xã hội là điều không thể phủ nhận trong thời gian qua. 

Ở một góc nhìn khác, một số chuyên gia viễn thông cho rằng, hiện rất nhiều quốc gia đang phát triển mạnh OTT, IoT… và đang cố gắng tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của 3G, 4G để tương lai tiến lên 5G. Chính vì vậy, cho dù khi phát triển lên 5G thì trên thực tế vẫn cần sử dụng đến các công nghệ nền tảng 2G, 3G, 4G để hỗ trợ. Đặc biệt, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp trong phát triển 5G. Phải mở cửa để tạo cơ hội cho 5G nhảy vào các lĩnh vực trong phát triển tòa nhà thông minh, đô thị thông minh, dịch vụ video trực tuyến… Việc chuyển đổi lên 5G ở Việt Nam sẽ khác từ 3G lên 4G. Nhưng nếu như “động lực” từ 3G lên 4G là đáp ứng nhu cầu truy cập trên smartphone thì 5G sẽ là những mô hình mới được tạo ra như y tế, chăm sóc sức khỏe, ô tô tự lái… Vì vậy, trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành hiện hữu, việc tính đến và chuẩn bị cho 5G không bao giờ quá sớm trong quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông quốc gia. Bởi lẽ, việc làm sớm sẽ có những nền tảng cần thiết để có những bước đi hiệu quả lâu dài, mang tính cơ bản cho tương lai về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của đất nước.

Tin cùng chuyên mục