Có thể khẳng định “Hội sách thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 6 - 2010” trong tuần lễ vừa qua là một sự kiện văn hóa nổi bật. Cho dù hôm nay (21-3), hội sách mới kết thúc nhưng ấn tượng về hội sách rất đậm đà đối với mọi phía. Kết quả doanh thu là ấn tượng đặc sắc nhất.
“Kết quả trong mơ”, “những con số trong mơ” là khẩu ngữ thường có từ phía các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách. Ai bảo người dân quay lưng, thờ ơ với sách? Một thực tế phản bác nhận xét trên. Có đến với Hội sách TPHCM mới thấy được tầm nhìn đúng đắn của UBND TP chỉ đạo thực hiện tiêu chí ngày hội của văn hóa đọc – ngày hội sách.
Trong cái nóng gay gắt của thời tiết cuối khô, hàng ngàn người chen chân nhau đến với các gian hàng sách để mua sách, để xem sách đã tạo nên một không khí ngày hội của văn hóa đọc. Giá trị ngày hội được thiết lập bởi ba yếu tố. Yếu tố tổ chức, yếu tố con người và yếu tố kinh tế. Ngày hội sách TPHCM đã thành công do cả ba điều nêu trên đã đảm bảo và thực hiện đúng các chuẩn mực đề ra.
Sách là tri thức, là văn hóa. Người viết sách, làm sách, bán sách cũng phải là người có tri thức, văn hóa. Tổ chức ngày hội sách cũng phải là người có tầm cao tri thức văn hóa nhất định. Chính từ những tri thức, văn hóa đó tạo nên một môi trường để những người đến với hội sách cũng phải là những người có tri thức, văn hóa. Cũng là bỏ tiền ra mua, nhưng chắc chắn việc mua sách khác hẳn việc mua một mớ rau, ký thịt. Khi mua sách, người ta luôn tỏ ra lịch sự, tinh tế và sự tin cậy cao đối với thứ hàng hóa đặc biệt ấy.
Bởi vậy, có thể nói, thành công của Hội sách TPHCM là một minh chứng cho niềm tin của người dân ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đối với sách. Những người viết sách, những nhà xuất bản và hệ thống phát hành sách phải hiểu rõ điều này. Phụ lòng tin của bạn đọc chắc chắn sẽ để lại những hậu quả, những tổn hại khôn lường…
Thực tế thời gian qua, đã có những cảnh báo nghiêm khắc. Có một cuốn sách được gọi là tác phẩm văn học với nội dung độc hại, xa lạ với đời sống văn hóa xã hội được in ra, được tổ chức họp báo rùm beng. Rất may, cuốn sách này đã được nhà xuất bản quyết định thu hồi không cho phổ biến ngoài xã hội. Có nhiều vấn đề đặt ra từ sự cố xuất bản ấy. Trước hết phải nói đến trách nhiệm từ phía xuất bản.
Trong bối cảnh đất nước đang phát triển nhanh theo xu hướng hội nhập toàn cầu, người viết sách và những người xuất bản sách, không thể không nêu cao vai trò trách nhiệm xã hội. Một khi chúng ta đã xác định sách là nguồn tri thức, văn hóa cũng là một động lực để xã hội phát triển nhanh, bền vững thì đương nhiên sản phẩm văn hóa này phải là sản phẩm ích nước, lợi dân.
Loại sách gây độc hại cho tư tưởng tình cảm người đọc, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên nhất thiết phải được loại trừ từ “trong trứng nước”. Không người viết sách, nhà làm sách nào không muốn sản phẩm của mình được đông đảo bạn đọc đón nhận. Sách bán chạy cũng là một tiêu chí của văn hóa. Nhưng để sách bán chạy, người ta “gài ma túy” hay những “độc dược ngọt ngào” là điều không thể chấp nhận, là phản văn hóa.
Qua thành công của Hội sách TPHCM, một lần nữa cho thấy độc giả không hề quay lưng lại với sách, vẫn tin tưởng ở các chuẩn tri thức, văn hóa trong sách. Và, cũng một lần nữa khẳng định rõ ràng những người viết sách, những nhà xuất bản, những cơ quan chức năng quản lý và những người phát hành sách nhất thiết phải giữ đúng chuẩn mực tri thức, văn hóa của sách. Giữ được chuẩn mực của sách cũng chính là giữ được niềm tin của bạn đọc.
HOÀNG TÂN