Nội dung trọng tâm của kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII khai mạc vào sáng nay (11-7) là đánh giá việc thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 và bàn nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đây là cơ sở để các địa phương và các cấp, các ngành ở TPHCM chủ động thực hiện các quyết nghị của HĐND TP nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nhất là về vốn, thị trường, thủ tục hành chính, từ đó ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn TPHCM.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP phục hồi và đang diễn biến tích cực hơn. GDP quý 2 tăng 8,8% (quý 1 tăng 7,4%), nâng GDP thành phố 6 tháng đầu năm đạt 8,1%; trong đó, dịch vụ tăng 8,7%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,1%, nông nghiệp tăng 4,9%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm 0,43%, so với tháng 12 năm 2011 tăng 2,05% (thấp hơn mức tăng của cả nước)…
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, kết quả trên rất đáng khích lệ. Điều này cho thấy, các cấp chính quyền và sở - ngành TPHCM ngày một nhận thức rõ hơn những hệ lụy tiêu cực do các chính sách giảm tổng cầu của nền kinh tế, từ đó bám sát tình hình, chủ động áp dụng các biện pháp quyết liệt, linh hoạt và nhiều sáng tạo. Tuy nhiên, thách thức mà TPHCM trong 6 tháng cuối năm 2012 là phải nhanh chóng phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế (phấn đấu mức tăng GDP là 10% cả năm 2012), từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2013. Bài toán trong lĩnh vực kinh tế đặt ra cho kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa VIII là ngăn chặn tình trạng sức mua giảm sút, giải phóng hàng hóa tồn kho, giúp DN tiếp cận nguồn tín dụng.
Khó khăn nhất hiện nay đối với DN là làm sao đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến. Sự suy giảm tăng trưởng một phần là do sức mua thấp. Chính vì thế, một trong những vấn đề thảo luận và chất vấn tại kỳ họp HĐND lần này là góp ý cho các giải pháp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để giảm lượng hàng tồn kho, mở rộng mạng lưới bán lẻ hàng nội địa – tác nhân kích thích sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để tạo chỗ đứng trên thị trường nội địa và tăng sức cạnh tranh, TPHCM cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về mặt bằng, vay vốn ưu đãi để sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến quản lý, giảm giá thành và chi phí lưu thông. Bản thân các DN cần xem xét lại phương án sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm, bảo đảm giá thành hợp lý để hạn chế lượng hàng tồn kho. Phương án tìm được đầu ra cho sản phẩm, cùng với việc xây dựng phương án đầu tư hiệu quả sẽ là chìa khóa để DN thuyết phục các ngân hàng mở hầu bao cho vay.
Vấn đề cần được HĐND TP có quyết sách giúp DN giải tỏa bức xúc, nhất là đối với DN vừa và nhỏ, đó là vốn vay ngân hàng. Một nghịch lý, trong khi ngân hàng tiền đầy kho thì DN vẫn khó vay và không được vay. Ước tính có 2/3 DN nhỏ và vừa ở TPHCM khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nên việc chính quyền TP làm cầu nối, linh hoạt trong điều hành, giúp ngân hàng và các DN tìm đến nhau, cũng là giúp hai bên cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng có tiếng nói chung và cùng có lợi…
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề và nhiều thách thức, đòi hỏi có sự tập trung cao độ để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, chủ động phối hợp với các bộ - ngành trung ương tìm hướng ra về vốn, mở rộng thị trường; thực hiện miễn, giảm, dãn thời hạn nộp thuế cho các đối tượng ưu đãi; chống thất thu thuế, góp phần tạo bình đẳng trong kinh doanh. Đồng thời TPHCM tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội nhằm trợ giúp kịp thời, có hiệu quả các gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng và gia đình nghèo - những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất bởi những tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế.
Sau khi kỳ họp lần thứ 5 HĐND TPHCM thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2012, yêu cầu đặt ra cho các cấp ủy Đảng, chính quyền là phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, để cùng chung nhận thức và chung hành động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời, đúng mục tiêu và đúng đối tượng.
TUẤN SƠN